Thời điểm dự án chưa được phê duyệt, giá đất chỉ khoảng 300 triệu đồng/sào. Vài năm sau, khu vực này đã tăng 10 lần, tương đương hàng tỷ đồng/sào.
Đầu tư đất như ôm bom!
Thị trường đất nền vùng ven TP.HCM như Bình Dương, Long An, Đồng Nai... có một giai đoạn thực sự bùng nổ với sự "sinh sôi" của hàng loạt dự án. Trong đó, đáng chú ý phải kể đến Đồng Nai cùng những dự án "ăn theo" sân bay quốc tế Long Thành.
Từ năm 2015, Quốc hội chính thức bấm nút thông qua việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), nhiều nhà đầu tư phía Bắc đã vào đây tìm kiếm cơ hội dù khá rủi ro.
Ông Đặng Văn Hải (một nhà đầu tư ở Hà Nội) cho hay, cách đây 5 năm, nhận thấy tiềm năng của khu vực này, ông đã bay vào Đồng Nai để tìm cơ hội đầu tư. Ông cho hay, giá mua vào lúc đó dao động từ 600-800 triệu đồng/lô. Nhưng chỉ hơn 20 ngày sau, nghe ngóng thị trường ông thấy giá đã lên 900 triệu đến 1 tỷ đồng/lô tương ứng.
Sốt đất Long Thành: Người mua sập bẫy cò
Trong hai năm 2018-2019, giá đất khu vực gần dự án sân bay Long Thành tăng hơn 35%, đặc biệt là tại các khu vực phụ cận phía Nam sân bay để phát triển dịch vụ như Bàu Cạn, Tân Hiệp... Sau 5 năm, ông Hải đã lãi một khoản tiền không nhỏ.
Ông Hải cho hay: “Ngày xưa đất đai xung quanh khu vực dự án đều là đồng không mông quạnh nên giá rất rẻ, chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng/m2. Hiện giá đất tăng mạnh một phần cũng do cò thổi lên. Đầu tư vào những vùng đất mới lợi nhuận cao đi kèm với nhiều rủi ro có thể trắng tay”.
Bà Trần Thị Tâm, một nhà đầu tư thứ cấp đang chào bán đất tại đây, kể rằng bà mua 6 nền đất tại 4 dự án tại quanh khu vực sân bay Long Thành hồi tháng 3/2019 từ các nhà đầu tư khác, giá 19,5 triệu đồng/m2.
Khảo sát cho thấy, các dự án đất nền, nhà phố tại Long Thành đang được giao dịch với mức giá từ 18-40 triệu đồng/m2. Khu vực trung tâm thị trấn hoặc dọc theo quốc lộ 51, giá bán lên đến 50-60 triệu đồng/m2. Tuy giá đất lên nhưng có những thời điểm bà Tâm mất ăn mất ngủ vì thị trường biến động. Nhiều lúc, bà muốn bán nhưng rao mãi không có ai mua, phần lớn là đầu cơ tăng giá nên giao dịch thực tế rất ít.
“Chỉ biết là giá đất nay đã tăng nhiều, còn để nói chính xác từng khu vực tăng bao nhiêu thì rất khó vì mỗi khu vực có mức tăng khác nhau, tùy thuộc vào vị trí xa hay gần sân bay”, bà nói.
Lên trăm triệu đồng/m2
Từ cuối năm 2019 đến nay, bất chấp tình hình dịch bệnh Covid-19 giá BĐS tại đây vẫn tăng. So với thời điểm trước Tết Nguyên đán 2020, giá bán trên thị trường thứ cấp của các dự án đất nền tăng ít nhất 15%, một số dự án tăng đến 20% mặc dù giao dịch không mấy nhộn nhịp.
Trong quý 2/2020, mặc dù lượng giao dịch ít nhưng giá đất tại khu vực Long Thành tiếp tục tăng lên theo thông tin sân bay Long Thành sắp khởi công. Giá đất ở một số khu vực chạm mốc 30-40 triệu đồng/m2, ngang ngửa với khu vực ven TP.HCM.
Tại tọa đàm “Bất động sản Long Thành cất cánh cùng sân bay”, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nhận xét, so với năm 2018, giá đất nhiều nơi ở khu vực quy hoạch sân bay đã tăng gấp đôi trong năm 2019. Trước đó, giá cũng đã tăng vì thông tin quy hoạch.
Thông tin dự án sân bay Long Thành sắp khởi công cũng làm giá đất khu vực này tăng
“Năm 2019, mức giá khu vực sân bay Long Thành dao động từ 15-30 triệu đồng/m2. Đây là một sự tăng vọt về giá. Sang năm 2020, bất chấp dịch Covid-19, giá đất vẫn tiếp tục tăng 20% so với năm trước”, ông Đính nói và khẳng định, đất trung tâm Long Thành có chỗ còn lên tới cả trăm triệu đồng.
Nguyên nhân của việc tăng giá này, theo ông Đính, không chỉ do quy hoạch xây sân bay mà còn do khan hiếm nguồn hàng ở TP.HCM khiến nhiều nhà đầu tư dịch chuyển sang vùng đất khác để đầu tư.
Mặc dù tăng giá song các chuyên gia đều cùng quan điểm, đầu tư đất tại khu vực này cần có tầm nhìn dài hạn. Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng, nhiều năm qua sân bay Long Thành là câu chuyện về ý tưởng và triển khai ý tưởng. Ý tưởng này đã có cách đây 26, 27 năm, nhưng đến nay mới được hiện thực hóa.
“Ý tưởng phát triển là đúng, nhưng để làm được thì cần rất nhiều yếu tố. Xét về góc độ đầu tư bất động sản thì Long Thành rất hấp dẫn. Tuy nhiên, đây là một bài toán rất lớn, cần sự vào cuộc của tỉnh, trung ương và các doanh nghiệp lớn”, vị chuyên gia khẳng định.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, thì tiết lộ một yếu tố bất lợi khi xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, đó là đặt một dự án có giá trị nghìn tỷ vào một vùng đất nông nghiệp.
“Trong 50 năm nữa, bất động sản Long Thành vẫn là điểm nhấn của thị trường. Tuy nhiên, khi đặt một dự án lớn vào vị trí đất nông nghiệp, thiếu thốn đủ thứ, các nhà đầu tư không chỉ phát triển dự án mà còn phải cùng Nhà nước xây dựng đồng bộ hạ tầng, giao thông, thậm chí là cả điện nước.
Do đó, để theo kịp tốc độ tăng trưởng của bất động sản Long Thành, các nhà đầu tư phải có nguồn lực lớn đủ mạnh để duy trì và phát triển đồng bộ dự án”, ông Nghĩa nói.
TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, nhìn nhận, dưới góc độ kinh tế, bất động sản Long Thành nói riêng, Đồng Nai nói chung có một điểm thú vị, đó là bất động sản nông nghiệp gắn với trồng trọt và chăn nuôi bò sữa. Trước thực tế giá đất “nóng” lên từng ngày, khách hàng vẫn mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư thì nên “chọn mặt gửi vàng” cho các dự án và chủ đầu tư uy tín.
Để hạn chế rủi ro, hiện nhiều khuyến cáo được đưa ra là người dân cần cẩn thận, xem xét kỹ tính pháp lý của các nền đất hoặc dự án mở bán để tránh “tiền mất tật mang”.
Nguồn: Báo Xây Dựng