Loạt khu vực từng là điểm nóng về 'sốt đất" tại các tỉnh thành miền Bắc đang ghi nhận sự sụt giảm cả về giá bán lẫn lượt quan tâm so với quý trước.
Thị trường đất nền miền Bắc "nguội lạnh"
Nếu như cùng kỳ năm 2021, anh K (35 tuổi, Bắc Giang) liên tục tuyển nhân viên làm việc tại gara ô tô của gia đình, để mình và anh trai (40 tuổi) đi “săn” và môi giới đất nền. Thì đến nay, anh K phải cho nhiều nhân viên nghỉ việc vì đất nền “nguội lạnh” nên hai anh em anh K quay lại làm việc ở gara.
Không chỉ anh em anh K mà nhiều môi giới tại một số tỉnh từng là điểm nóng về đất nền như Lạng Sơn, Hà Nam cũng gặp phải tình cảnh tương tự.
Theo báo cáo mới nhất, trong bức tranh chung ảm đạm của thị trường do ảnh hưởng của lạm phát, siết tín dụng bất động sản giá tăng cao thì đất nền là loại hình ghi nhận biến động giảm rõ rệt về cả lượt tìm kiếm và giá rao bán. Trong đó, thị trường đất nền miền Bắc giảm nhiệt diện rộng, ở hầu hết các địa bàn so với quý trước.
Thị trường đất nền miền Bắc giảm nhiệt diện rộng, ở hầu hết các địa bàn so với quý trước.
Theo đó, lượt tìm kiếm tại hầu hết các tỉnh thành phía Bắc đều sụt giảm khá mạnh so với Quý II, sâu nhất lên đến 45% tại các khu vực như Bắc Giang, Hà Nam, Lạng Sơn, còn nhiều tỉnh thành khác ghi nhận lượt tìm kiếm giảm 10-20%.
Tuy nhiên, trong bức tranh chung vẫn có những điểm sáng ở các tỉnh miền núi phía Bắc là Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu (Sơn La),… có lượt tìm kiếm tăng mạnh, nhất là Lai Châu với 82%.
Các chuyên gia nhận định, đây có thể là một chỉ báo cho thấy phạm vi tìm kiếm đất nền đang mở rộng tới những địa bàn xa hơn, nơi còn nhiều quỹ đất lớn và giá rẻ, đặc biệt những nơi có thể phát triển loại hình bất động sản nghỉ dưỡng.
Giá bán giảm sâu
Về giá rao bán, cập nhật một số thị trường đất nền nổi bật gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng thì đều có giá bán theo tin đăng giảm nhẹ từ 1-7%. Trong đó, duy nhất có Hải Phòng ghi nhận giá rao bán tăng nhẹ khoảng 3% so với quý trước.
Nhiều môi giới bày tỏ, giữa bối cảnh thị trường hiện tại, lượng quan tâm sụt giảm là một trong những nguyên nhân chính khiến mặt bằng giá đất nền hạ nhiệt. Đồng thời, đất nền cũng là loại hình liên tiếp ghi nhận các đợt sốt nóng trong 2 năm qua nên giá buộc phải chững hoặc giảm để tìm điểm cân bằng cung - cầu.
Đối với thị trường trọng điểm miền Bắc là Hà Nội, đơn vị này cũng ghi nhận mức giảm sâu ở lượt tìm kiếm, giá rao bán cũng bắt đầu giảm tại nhiều địa phương.
Điển hình là những điểm nóng đất nền ngoại thành như Quốc Oai, Sóc Sơn ghi nhận mức giảm mạnh nhất, từ 30-39%. Mức độ quan tâm đất nền tại những địa bàn khác như Gia Lâm, Thanh Trì, Long Biên, Hoài Đức cũng giảm lần lượt 28%, 24%, 21% và 17%.
Đất nền là loại hình bất động sản mang nặng tính đầu cơ nên mức độ ảnh hưởng trong bối cảnh lạm phát, siết tín dụng, lãi suất tăng, dòng tiền chảy vào ngân hàng cũng nhiều hơn so với loại hình ở thực như căn hộ hay nhà đất thổ cư.
Giá rao bán đất nền Hà Nội ghi nhận mức giảm sâu nhất tại quận Long Biên và Thanh Trì với lần lượt 10% và 9%, một số địa bàn khác giảm nhẹ 1% như Đông Anh, Quốc Oai. Trong khi đó, các huyện Hoài Đức và Sóc Sơn vẫn ghi nhận mặt bằng giá bán theo tin đăng tăng 4-5% so với quý 2.
Chuyên gia cho biết, cùng với tình hình khó khăn chung của thị trường, giao dịch đất nền nhìn chung đang khá ảm đạm tại hầu hết các địa phương trong bối cảnh lạm phát, siết tín dụng, lãi suất tăng, dòng tiền chảy vào ngân hàng. Trong khi đó, đất nền là loại hình bất động sản mang nặng tính đầu cơ nên mức độ ảnh hưởng cũng nhiều hơn so với loại hình ở thực như căn hộ hay nhà đất thổ cư.
Đồng thời, các chuyên gia dự báo rằng tình hình khó khăn có thể vẫn kéo dài sang năm 2023 và chỉ cải thiện khi có những thay đổi mới về chính sách tín dụng. Đồng thời, đây cũng là thời điểm được cho là cơ hội với những người chủ động về tài chính. Bởi lẽ trên thực tế, những nhà đầu tư không sử dụng đòn bẩy tài chính, có nguồn vốn dồi dào vẫn âm thầm tìm kiếm đất nền giá rẻ tại các địa bàn tiềm năng để chờ thị trường hồi phục trong tương lai…
Nhadat24h.net- Theo báo xây dựng