iệc sửa đổi một số nội dung trong quy định diện tích tối thiểu được tách thửa của thành phố Hồ Chí Minh vẫn dậm chân tại chỗ khiến cho việc giải quyết các hồ sơ của người dân cũng bị ách tắc.
|
Quyết định 60 về tách thửa chưa phù hợp với quy định của pháp luật, thậm chí làm phát sinh thêm thủ tục, hạn chế quyền của người dân. Ảnh: Gia Miêu |
Vợ chồng anh Nguyễn Ninh, ngụ tại quận Tân Phú cho biết có miếng đất rộng gần 2.000 m2 ở P.Linh Tây (Q.Thủ Đức, TP.HCM) được quy hoạch là đất dân cư hiện hữu cải tạo, đang xin thủ tục tách thửa, phân lô và bán một phần đất để xoay xở nợ nần. Anh Ninh đã tiến hành san lấp mặt bằng, đóng tiền chuyển mục đích sử dụng đất và nộp hồ sơ xin tách thửa, nhưng hơn 2 năm qua vẫn không thể thực hiện. Cán bộ thụ lý hồ sơ nói phải chờ hướng dẫn của các sở ngành liên quan, nhưng chờ đến khi nào thì… chưa biết.
Thời gian 2 năm qua sau khi Quyết định 60 có hiệu lực, ghi nhận từ các quận, huyện số lượng hồ sơ được giải quyết tách thửa còn rất hạn chế. Người dân cho rằng, một số quy định của quyết định này đã làm khó người dân, như một “giấy phép con”.
Theo tìm hiểu thì được biết nhiều khu đất quy hoạch được thực hiện hàng chục năm nay đã lỗi thời, nhà ở gần kín hết nhưng không được coi là khu dân cư hiện hữu. Khi người dân xin được thực hiện tách thửa vẫn bị coi là đất ở hiện hữu cải tạo, khu dân cư xây dựng mới… Trong khi hai loại đất này không có trong khái niệm của luật Đất đai 2013 khiến người dân không thể thực hiện quyền lợi hợp pháp của mình dù họ đã được chuyển thành đất ở và đã nộp tiền sử dụng đất đầy đủ.
“Dù là đất ở xây dựng mới hay đất ở chỉnh trang... nhưng sau 5 năm sau khi công bố quy hoạch, nếu thực tế hiện trạng đã có nhà ở và cư dân sinh sống đúng luật pháp thì nay phải được coi là đất ở hiện hữu để quá trình thực hiện Quyết định 60 đi vào cuộc sống và các bộ phận triển khai không có điều kiện làm khó người dân khi đi làm thủ tục”, ông Nguyễn Ninh đề nghị.
Mới đây, Sở Tư pháp TPHCM, Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) đã chỉ ra rằng Quyết định 60 về tách thửa chưa phù hợp với quy định của pháp luật, thậm chí làm phát sinh thêm thủ tục, hạn chế quyền của người dân. Cụ thể, những bất cập của Quyết định 60 được chỉ rõ khi luật Đất đai năm 2013 chỉ cho phép UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với 2 loại đất là "đất ở tại nông thôn" và "đất ở tại đô thị".
Trong khi đó, Quyết định 60 lại “đẻ” thêm hai khái niệm mới là "quy hoạch đất ở xây dựng mới" và "quy hoạch đất sử dụng hỗn hợp" thì không được tách thửa. Điều này đã hạn chế quyền tách thửa của người sử dụng đất, không phù hợp với luật Đất đai 2013, Nghị định số 01 khi Quyết định 60 quy định thêm các trường hợp không được tách thửa.
Trước những bất cập trên, UBND TPHCM đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của thành phố khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện Quyết định 60 về tách thửa. Tuy nhiên đến nay người dân vẫn phải chờ đợi.
Nguồn: https://baoxaydung.com.vn/loay-hoay-voi-quy-dinh-tach-thua-282908.html