Nhờ tạm hoãn hoặc làm gọn lại hôn lễ trong vài tháng qua, nhiều đôi mua được nhà ở thành phố New York, Mỹ - điều họ khó thực hiện trước khi đại dịch Covid-19 ập đến.
Chủ nhật đầu tiên của tháng 9 đáng lẽ là ngày cưới của Jenna Sood (31 tuổi) và Nina Woolf (35 tuổi). Theo kế hoạch, 100 người thân và bạn bè của đôi trẻ sẽ chung vui tại nhà hàng Brooklyn - nơi họ có buổi hẹn hò đầu tiên.
Dịch Covid-19 đã phá hủy tất cả. Vì vậy, Jenna và Nina quyết định thực hiện điều quan trọng khác: mua một căn hộ.
Không riêng Jenna và Nina, nhiều cặp uyên ương ở thành phố New York (Mỹ) phải hoãn cưới vì đại dịch. Nhưng cũng nhờ đó, họ tiết kiệm được khá nhiều tiền, trong khi thị trường bất động sản hạ nhiệt.
Nhiều đôi tậu được nhà mà ở những thời điểm khác, họ có thể không đủ tiền mua.
Nina Woolf và Jenna Sood trong căn hộ mới của họ ở Brooklyn. Ảnh: Bloomberg.
Tháng 7, Philip Bassis (34 tuổi) - chủ thương hiệu quần áo nam - và nửa kia Carly phải hủy bỏ kế hoạch đám cưới hoành tráng với hơn 200 khách mời ở West Village.
“Đó là điều may mắn khi chúng tôi có thêm tiền đặt cọc và mua được nhà ở vị trí tốt hơn”, anh nói.
Đến ngày đã chọn, hai vợ chồng Bassis vẫn tổ chức hôn lễ, nhưng chuyển đổi bữa tiệc xa hoa thành buổi lễ thân mật ở Battery Park. Tiệc chiêu đãi các thành viên gia đình - tất cả đều được xét nghiệm Covid-19 - diễn ra trên tầng thượng ở khu nhà bố mẹ vợ Bassis sinh sống.
Với khoản tiền tiết kiệm được, họ đang săn lùng căn hộ kiểu gác xép, có 1-2 phòng ngủ ở khu Manhattan, giá dưới 2 triệu USD.
“Chúng tôi muốn định cư ở New York. Đây là cơ hội của chúng tôi”, Bassis - người lớn lên ở Manhattan - nói.
Nhờ hoãn cưới, nhiều đôi trẻ mua được nhà ở New York. Ảnh: Apartment Therapy.
Eleonora Srugo - nhà môi giới của vợ chồng Philip Bassis từ Douglas Elliman Real Estate - cho biết cô cũng đang làm việc với 2 đôi khác ở Manhattan. Họ đều hoãn cưới và sử dụng số tiền tiết kiệm được để mua nhà.
Năm nay, đám cưới ở New York đã giảm mạnh 56% xuống còn 58.522, thấp nhất trong thống kê 12 năm trở lại đây, theo công ty nghiên cứu Wedding Report.
Các đôi uyên ương vẫn tổ chức tiệc cưới theo kế hoạch cũng chi ít hơn đáng kể. Chi phí trung bình trong năm nay là 32.743 USD, mức thấp nhất kể từ năm 2008.
Trong khi đó, việc sở hữu một căn hộ ở New York trở nên hợp túi tiền hơn khi đại dịch làm giảm nhu cầu sinh sống tại thành thị. Theo báo cáo của StreetEasy, gần 75% giao dịch mua bán nhà từ giữa tháng 3 tới cuối tháng 9 được hoàn thành với giá thấp hơn chi phí chào bán ban đầu.
John McClave - nhà môi giới của Tập đoàn Corcoran - cho biết: “Điều này không phổ biến ở thành phố New York. Vì vậy, mọi người nên mua nhà ở đây khi còn có thể”.
Tháng 4, Susan Schillinger (38 tuổi) và Huy Hoang (45 tuổi) - khách hàng của McClave - đã hủy đám cưới, tiệc chiêu đãi ở New York và hôn lễ theo truyền thống Việt Nam với 150 khách mời tại Maryland.
Thay vào đó, hai người kết hôn vào tháng 8 ở sân sau nhà của cha mẹ và bỏ qua tuần trăng mật. Mỗi cuối tuần, họ lại đi tìm mua căn hộ 2 phòng ngủ với giá dưới 1,3 triệu USD.
Susan - giáo viên mẫu giáo ở Hạ Manhattan - cho biết: “Chúng tôi muốn định cư ở New York. Có lẽ chúng tôi sẽ tổ chức lại hôn lễ vào thời điểm nào đó. Giờ thì không có kế hoạch nào là chắc chắn cả”.
Sau khi thông báo cho gia đình và bạn bè về việc hoãn cưới, Jenna Sood - Nina Woolf nhanh chóng tìm mua căn hộ 1 phòng ngủ ở Brooklyn với giá dưới 650.000 USD.
Sau khoảng 12 lần đi xem nhà, hai người tìm thấy căn hộ phù hợp ở gần công viên Prospect, được niêm yết với giá 495.000 USD. Họ trả trước 20% và ký hợp đồng mua nhà vào ngày 1/9. Đôi trẻ đã chuyển đến đây vào tháng trước.
Nina cho biết: “Chúng tôi có khoản thế chấp cùng nhau. Vì vậy, cả hai có lẽ ràng buộc hơn rất nhiều cặp vợ chồng đã kết hôn”.
Báo xây dựng