9 tháng năm 2020 thị trường bất động sản (BĐS) chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhưng từ đầu quý IV đến nay, thị trường bắt đầu "ấm" trở lại khi các chủ đầu tư bung hàng tại một số thị trường trọng điểm.
Các chuyên gia cho rằng, với đà này, khi bước sang năm 2021 thị trường sẽ có đợt tăng giá mới do thiếu nguồn cung.
Khan hiếm nguồn cung
Số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng, từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng giá nhà ở không có xu hướng giảm.
Trên cả nước, giá bán căn hộ chung cư phân khúc trung cấp từ 20 - 35 triệu đồng/m2, cao cấp từ 35 triệu đồng/m2 trở lên. Tại Hà Nội: Giá bán căn hộ chung cư bình dân khoảng 24,8 triệu đồng/m2, căn hộ chung cư trung cấp 31 triệu đồng/m2, căn hộ chung cư cao cấp 37,7 triệu đồng/m2.
Một khu chung cư tại Nam Từ Liêm đang được xây dựng. Ảnh: Hải Linh
Tại TP Hồ Chí Minh, mức giá bán dao động từ 30 - 50 triệu đồng/m2; Quảng Ninh, mức giá dao động từ 23 - 27 triệu đồng/m2; Hải Phòng, mức giá dao động khoảng 30 triệu đồng/m2; Bình Dương mức giá khoảng 30 - 38 triệu đồng/m2; Cần Thơ mức giá từ 19 - 60 triệu đồng/m2. Trong đó, tại hai thị trường lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có chỉ số về biến động giá nhà ở mức cao nhất.
Cụ thể, tại Hà Nội, giá căn hộ trung - cao cấp vẫn gần như đi ngang, nhưng giá căn hộ bình dân tăng từ 3 - 5%; Đáng chú ý tại TP Hồ Chí Minh, ghi nhận phân khúc căn hộ bình dân vẫn "mất hút" trên thị trường, giá sản phẩm trung - cao cấp tăng từ 15 - 20%.
"Cả 2 thị trường lớn đều có điểm chung là do giá tại khu vực trung tâm đã bị đẩy lên cao, nên các chủ đầu tư có xu hướng chuyển dịch ra các khu vực xa hơn.
Ở Hà Nội, những dự án có sản phẩm thuộc phân khúc bình dân thường nằm tại các vùng ven đang phát triển như Đông Anh, Gia Lâm, Hà Đông... tỷ lệ hấp thụ ở phân khúc này luôn duy trì ở mức rất cao, đạt khoảng 70%.
Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều nhà đầu tư phải tìm đến đất nền ở các huyện ven đô, tạo ra sự tăng giá mạnh cho đất đai một số huyện như Bình Chánh, Gò Vấp, Củ Chi…" - đại diện Bộ Xây dựng cho biết.
Giá nhà có thể tăng
Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, từ khi Nghị quyết 02/NQ-CP về tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS có hiệu lực, đã tạo ra kích thích thị trường. Trong giai đoạn 2014 - 2016, phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ phát triển mạnh nhờ gói kích cầu 30.000 tỷ đồng, nhưng khi gói này dừng lại, phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ vẫn chưa tìm được giải pháp để phát triển và đầu tư phù hợp.
Từ đầu năm đến nay, khi xảy ra dịch Covid-19, giá nhà ở vẫn được ghi nhận có sự tăng cao, nguyên nhân chính do các dự án bị chậm hoặc dừng triển khai. Bên cạnh đó, việc cấp mới dự án cũng rất hạn chế, khiến cho thị trường bị thiếu nguồn cung dẫn đến giá bán gia tăng.
"Từ năm 2021, khi Luật Cư trú có hiệu lực, việc nhập hộ khẩu vào Hà Nội, TP Hồ Chí Minh sẽ thuận lợi, dễ dàng hơn, điều này sẽ khiến các đô thị lớn tiếp nhận dân cư ngày càng tăng, dẫn đến nhu cầu về ở nhà ở sẽ tăng cao, đặc biệt với nhà ở giá rẻ. Như vậy, khi hàng hóa BĐS rơi vào tình trạng khan hiếm, cộng thêm việc đầu cơ, điều này sẽ khiến giá nhà tăng cao trong thời gian tới" - GS Đặng Hùng Võ nhìn nhận.
"Nhìn nhận một cách khách quan, trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, giá bán nhà trên thị trường vẫn tăng do nhu cầu ngày càng lớn và có tính cấp thiết đối với những gia đình trẻ. Mặc dù tăng giá, nhưng vì nhu cầu cấp thiết nên nhiều gia đình vẫn tìm cách để mua nhà ở, vì thế ít nhiều có tác động đến thị trường, khiến cho mặt bằng giá liên tục được thiết lập mức mới." - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng Nguyễn Mạnh Khởi
Báo dân trí