Với không ít người, những đợt sóng trào trên thị trường bất động sản trong những năm dịch bệnh suốt từ 2020 đến đầu 2022 là rất khó hiểu. Nền kinh tế và các hoạt động xã hội đông cứng, ai ai cũng phải ngồi nhà vì phong tỏa mà các thị trường, đặc biệt là bất động sản, lại trở nên sốt hầm hập, điều lẽ ra phải ngược lại.
Nhưng đồng tiền luôn có cái lý của nó. Bị tắc ở sản xuất, kinh doanh, vốn chảy sang bất động sản, chứng khoán, điều chúng ta đã từng chứng kiến ở Việt Nam và rất nhiều quốc gia khác trong đại dịch.
Một nhà kinh tế cho biết thêm, trong giai đoạn 2000-2020, tỷ giá VND/USD chỉ tăng 1,6 lần; giá vàng tính bằng VND tăng khoảng 11 lần; còn giá đất ở Thủ đô tăng 20 lần.
Kinh nghiệm đó của dân và của thị trường, nơi gần như thiếu cung trầm trọng trong mấy năm gần đây do thiếu các chữ ký, đã giải thích thêm, vì sao thị trường bất động sản đã sốt nóng.
Đến bây giờ, khi thị trường nhà đất đóng băng, tiếng kêu cứu vang vọng khắp nơi, thì mọi con mắt đều đổ dồn vào ngành ngân hàng. Đây là một sức ép cực kỳ lớn và cần được giải tỏa, bằng cách nào đó.
Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng cho thị trường bất động sản đến cuối tháng 11/2022 đạt khoảng 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 19,44% so với cuối tháng 12/2021.
Bất động sản là một trong những ngành có tăng trưởng tín dụng cao nhất, chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Đến nay, dư nợ tín dụng đã trở nên cao nhất trong 5 năm qua.
Như vậy, ngành bất động sản vẫn đang có tỷ lệ dư nợ lớn và các ngân hàng thương mại vẫn cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản với mức tăng trưởng cao, miễn là các dự án có phương án vay vốn và kinh doanh khả thi, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vốn.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.