• Người Việt kể chuyện đấu giá BĐS ở Mỹ, bật mí chiêu đơn giản hạ gục chủ nhà

Người Việt kể chuyện đấu giá BĐS ở Mỹ, bật mí chiêu đơn giản hạ gục chủ nhà

Ngày cập nhật: 22/1/2021 » Thị trường nhà đất

Xu hướng người Việt mua nhà tại Mỹ ngày càng tăng trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, việc mua nhà tương đối khó khăn, nếu khách mua không hiểu rõ pháp luật tại xứ cờ hoa.

Trong vài năm gần đây, ngày càng có nhiều người Việt học tập và làm việc lâu dài tại Mỹ, nhu cầu mua nhà tại xứ cờ hoa theo đó cũng tăng cao. Tuy nhiên, khác với Việt Nam việc mua nhà tại đây phải trải qua khá nhiều thủ tục phức tạp. Đó là chưa kể, mỗi bang tại Mỹ đều ban hành luật riêng, không có sự thống nhất trên toàn lãnh thổ Liên bang nên trước khi đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ luật pháp tại nơi mà mình đầu tư.

Trao đổi với PV báo Dân trí, chị Minh Tú (SN 1997), hiện đang sinh sống tại thành phố Montgomery, bang Alabama cho biết: Tại Mỹ, có nhiều cách để mua nhà như mua nhà trả góp hoặc mua trả thẳng. Đặc biệt là cách mua nhà thông qua đấu giá.

Vợ chồng chị Minh Tú vừa đấu giá thành công căn nhà tại Mỹ

Theo chị Tú, việc mua nhà thông qua đấu giá sẽ giống như đánh một canh bạc xen lẫn hồi hộp, có nhiều trường hợp khách mua nhà được giá tốt. Tuy nhiên, do có nhiều người đấu giá cùng một lúc nên tỷ lệ chọi giữa khách mua nhà thường cao.

Đấu giá nhà ở Mỹ thường theo kiểu đấu giá kín, tức là mỗi người muốn mua sẽ chốt một giá trong bản hợp đồng rồi gửi tới người bán. Người bán chọn hợp đồng nào để ký là tùy họ.

"Nhiều người khi gửi hợp đồng sẽ gửi kèm cả 1 bức thư nói với người bán là họ thích ngôi nhà như thế nào, hứa sẽ chăm chút ra sao,... Có những trường hợp người bán không chọn hợp đồng trả giá cao nhất mà chọn người mua họ có cảm tình nhất", Tú chia sẻ.

Chia sẻ bí quyết mua nhà đấu giá, chị Tú nói: Trước khi đưa ra quyết định, khách mua phải tự xác định bản thân có thể chi trả được bao nhiêu phần trăm giá trị ngôi nhà và phải vay ngân hàng bao nhiêu? Sau đó, tìm kiếm tiểu bang muốn sống, có phù hợp với công việc hay không, chi phí sống có đắt đỏ hay không?...

Do không nắm rõ được quy luật của thị trường bất động sản Mỹ, chị Tú tìm đến sự hỗ trợ của nhân viên môi giới bất động sản. Theo 9X này, việc chọn được một môi giới nhân viên bất động sản uy tín có thể quyết định tới 90% thành công quá trình mua nhà.

"Trước khi lựa chọn bên môi giới, tôi cẩn thận xác thực mức độ uy tín của công ty. Đồng thời, tôi phỏng vấn nhân viên bất động sản qua điện thoại hoặc email về kinh nghiệm để xem họ có thực sự muốn giúp mình không hay chỉ muốn bán để lấy tiền hoa hồng thôi", Tú kể.

Việc chọn được một môi giới nhân viên bất động sản uy tín có thể quyết định tới 90% thành công quá trình mua nhà tại Mỹ.

Theo chị Tú, nhiệm vụ của nhân viên môi giới sẽ dựa vào yêu cầu của khách hàng, sau đó giới thiệu những ngôi nhà đáp ứng được các tiêu chuẩn đó. Tú kể, trong quá trình mua - bán nhà tại Mỹ, nhân viên môi giới sẽ có trách nhiệm cho tới khi nào khách hàng tìm được nhà mới thôi.

Một điều khá đặc biệt ở Mỹ là sau khi xem nhà, nếu ưng ý thì bước cuối cùng chưa phải là chốt giá và ký hợp đồng ngay. Để "tậu" được nhà, người mua phải trải qua quá trình đấu giá khá hồi hộp với nhiều người khác.

"Lúc đầu, hai vợ chồng tôi khá đắn đo vì không biết nên trả giá thế nào. Nếu trả thấp quá thì không mua được nhà. Mặt khác, nếu trả giá cao quá thì bên cho vay sẽ không cho vay đủ vì họ chỉ cho vay theo số tiền mà họ định giá cái nhà thôi. Ví dụ trả mức 300.000 USD mà bên cho vay chỉ định giá 250.000 USD thì mình phải tự bỏ 50.000 USD ra bù vào để mua nhà. Như vậy khá rủi ro", chị Tú nói.

Cuối cùng, thay vì mặc cả xuống so với giá niêm yết, đôi trẻ quyết định chi thêm 10.000 USD. Khi gửi hợp đồng đấu giá cho người bán, 9X còn gửi kèm một bức thư với những dòng tâm sự đầy cảm xúc.

Cô tin rằng đây sẽ là ngôi nhà ấm áp, mang lại hạnh phúc cho hai vợ chồng và hứa sẽ giữ gìn, chăm sóc mọi thứ như cách mà chủ nhà nâng niu ngôi nhà.

Bằng những lời nói chân thành, vợ chồng Tú đã thuyết phục được người bán "chốt" hợp đồng, bàn giao nhà dù chỉ là người trả giá cao thứ hai.

Ngoài việc phải trải qua phiên đấu giá gay cấn, việc mua nhà tại Mỹ nếu mua theo hình thức trả góp thì phải chứng minh tài chính để được công ty mortgage (công ty chuyên cho vay mua nhà) hỗ trợ cho vay.

"Lúc mình mua nhà thì họ bắt buộc phải có khoản tiền ít nhất bằng 5% giá trị ngôi nhà trong tài khoản ngân hàng. Bên cho vay cũng yêu cầu các giấy tờ liên quan như sau khi đi làm thì lương của mình được bao nhiêu, có chắc chắn là công ty sẽ nhận vào làm không. Ngoài ra, họ còn muốn rất nhiều giấy tờ khác như bản khai thuế, bằng tốt nghiệp, kê khai tài sản, xe cộ,... thì mới chấp nhận hồ sơ", Tú nói.

Trong khi đó, ông Q.V, CEO của một doanh nghiệp Việt Nam hiếm hoi được cấp phép đầu tư bất động sản tại Mỹ cho biết: Giống như Việt Nam, nhà tại các thành phố lớn của Mỹ, hoặc các tiểu bang phát triển như California, Florida, Michigan thường có giá rất cao, vượt xa so với bình quân thu nhập của người dân.

Tại các bang có quỹ đất rộng hơn, hoang sơ và ít dân hơn như Texas hay Wyoming có giá bán "mềm" hơn đôi chút. Giá nhà bình quân tại Mỹ dao động trong khoảng 300.000 USD - 1 triệu USD (khoảng 6,9 tỷ - 23 tỷ đồng).

"So với Việt Nam, giá nhà tại Mỹ thường cao hơn 2 - 3 lần. Tuy nhiên, nhà Mỹ có diện tích rộng hơn Việt Nam, lại luôn đi kèm mảnh vườn phía trước. Không những vậy, so với thu nhập giữa người Mỹ và người Việt rõ ràng có sự chênh lệch lớn. Do đó, chỉ có một bộ phận nhỏ người Việt có thu nhập cao, ổn định mới có cơ hội sở hữu nhà tại xứ sở cờ hoa", ông V. nói.

Tuy nhiên, việc mua bán - giao dịch, các vấn đề liên quan tới thuế, pháp lý mua nhà tại Mỹ tương đối phức tạp và khác xa khi mua nhà trong nước. Ngay trong nước Mỹ, các tiểu bang khác nhau sẽ có chính sách, pháp luật và các mức thuế khác nhau.

Thuế mua nhà tại Mỹ thường cao hơn Việt Nam khoảng 30% tổng giá trị mua nhà. Không những vậy, hàng năm, người dân vẫn phải đóng khoảng 1% giá trị ngôi nhà cho các khoản thuế khác như thuế đất,...

Vì vậy, trước khi quyết định mua nhà, khách mua cần phải tìm hiểu pháp luật của cả Liên bang, và cả tiểu bang mà mình đang sống.

"Trong trường hợp khách mua không rõ luật pháp Mỹ có thể tìm đến các công ty luật có uy tín, hoặc các công ty môi giới được đánh giá cao trên thị trường. Để kiểm tra mức độ uy tín của các công ty này không khó. Hầu hết trên các trang website đều đã có đánh giá của các khách hàng trước. Việc còn lại là người mua lựa chọn theo vị trí công ty, chi phí tư vấn phù hợp với túi tiền là được", ông V. chia sẻ thêm.

Đặc biệt, cũng giống như Việt Nam, tại Mỹ cũng có những "đội quân" cò đất với nhiều thủ đoạn để bẫy giá người mua. Cụ thể, khi biết có người Việt muốn đầu tư BĐS Mỹ, giới cò đất sẽ giới thiệu một số sản phẩm mà họ có được. Các sản phẩm này đều đã bị "thổi giá" thêm 30% giá trị. Vì thế, người mua nên tham khảo giá đất tại các công ty BĐS uy tín tại Mỹ, các đơn vị này sẽ đưa ra mức giá thật sự cho sản phẩm, để tránh những rủi ro khi mua nhà hoặc đầu tư BĐS tại thị trường này.

Theo báo xây dựng