Đây là một trong những nội dung được chuyên gia phân tích tại Tọa đàm bất động sản mùa Xuân lần I vừa được tổ chức tại Hà Nội. Tọa đàm bất động sản mùa Xuân lần I là dịp để các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp cùng phân tích bức tranh tổng quan, cập nhận diễn biến, dự báo chuyển động của từng phân khúc, nhận định những nguyên nhân, vướng mắc cần khơi thông để thị trường thực sự bứt phá.
Tọa đàm được điều phối bởi TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia (ngoài cùng bên tay phải) cùng các diễn giả.
Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà phân tích: Mặc dù, Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam nhưng thị trường bất động sản, giá đất bất động sản, “sốt” đất vẫn nóng. Đặc biệt, giá nhà đất tại một số thành phố không giảm, ngược lại còn tăng.
Ông Hà cho rằng có hai nguyên nhân: “Thứ nhất, kênh đầu tư bất động sản vẫn rất hấp dẫn. Tôi cho rằng, bất động sản là kênh đầu tư mà người Việt tin tưởng, chỉ sau vàng và chứng khoán. Thứ hai, nguồn cung bất động sản tại một số địa phương, như các thành phố lớn còn thiếu hụt đã đẩy giá bất động sản tăng cao”.
Đáng chú ý, “sốt” đất không chỉ ở các khu vực có quy hoạch rõ ràng, có giấy phép xây dựng mà “cơn sốt” này còn nằm ở những vị trí không nằm trong quy hoạch, đất thổ cư, trong làng xóm, thậm chí đất phi nông nghiệp như đất trồng rừng… Những cơn sóng đó xuất hiện chủ yếu bởi các thông tin quy hoạch như sân bay, đường cao tốc giao thông, dự án của doanh nghiệp lớn.
Mặc dù chỉ trong thời gian ngắn nhưng “sốt đất” đã tàn phá kinh tế, xã hội, công ăn việc làm của người dân… Những “cơn sốt” đất chúng ta đã chứng kiến ở Ba Vì hay Bình Phước là những ví dụ điển hình.
“Chúng tôi cho rằng, trong những “cơn sốt” đất, ngoài cái lợi vẫn có những thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư non trẻ, thiếu kinh nghiệm, đầu tư theo số đông. Chúng tôi kiến nghị nhà nước, lãnh đạo địa phương phải quan tâm và kiểm soát việc này”, ông Hà nói.
Còn TS. Lê Xuân Nghĩa cảnh báo về sự cảnh giác với câu chuyện “sốt” đất nền: “Nó luôn là nguồn cơn của “sốt” giá bất động sản. Giá tiếp tục tăng cao nhưng không ai bán. Chúng tôi đã có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, dù không quá căng thẳng nhưng cần có giải pháp để kiểm soát giá đất nền”.
“Kinh tế thực của Việt Nam có thể không đạt được tốc độ phát triển nhanh như mong muốn của Nhà nước. Cùng với đó, các nguy cơ về bùng nổ tài chính có thể xảy ra. Tôi cho rằng, không nên đua theo dòng tiền của đất nền “sốt” ảo bởi có thể dẫn đến đổ vỡ bất động sản”, TS Nghĩa nhìn nhận.
Bất động sản công nghiệp là điểm sáng trong thời gian tới, con số 326 khu công nghiệp, hàng ngàn ha đất công nghiệp của nước ta đã và đang có sức hút với các doanh nghiệp nước ngoài. Trong thời gian tới, các nhà đầu tư bất động sản có thể quan tâm đến thị trường này.
Tọa đàm cũng đề cập đến phân khúc bất động sản du lịch, dù không quá lớn nhưng cũng rất quan trọng, đã có sự phát triển rầm rộ 2016-2017, nhưng nay trầm lắng do dịch Covid-19.
Theo ông Nguyễn Thế Nhiên – Phó Tổng Giám đốc Hưng Thịnh land bất động sản nghỉ dưỡng chính là một trong những thế mạnh của nền kinh tế Việt Nam. Dù tác động của dịch bệnh có thể kéo dài 1-3 năm, nhưng sau đó thì bất động sản du lịch vẫn sẽ phát triển, là thế mạnh của Việt Nam khi chúng ta có đường bờ biển dài, có nhiều danh lam thắng cảnh và con người thân thiện.
Liên quan đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản, TS. Phan Hữu Thắng chia sẻ nên đón dòng vốn này như thế nào thì cần có cái nhìn toàn diện. Hiện nay, kinh tế Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức cạnh tranh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Cụ thể, tổng vốn đầu tư toàn cầu trong năm 2020 giảm 4 điểm % so với năm 2019. Trong bối cảnh mới cùng với sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam không thể không giảm về nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, trong năm 2020 giảm mất 25% vốn FDI so với năm 2019. Trong tương lai, Việt Nam cần các chính sách thông suốt, hệ thống luật pháp thuận lợi, tạo điều kiện cho đầu tư và cho doanh nghiệp nước ngoài rót vốn vào thị trường Việt Nam.
TS. Cấn Văn Lực chia sẻ về thị trường chứng khoán và đặt câu hỏi về FDI bất động sản. Dự báo hết quý I/2021, cổ phiếu bất động sản sẽ tăng khoảng 15%, một phần do cộng hưởng “sốt” đất. Còn với lĩnh vực xây dựng, năm ngoái đã có sự tăng rất tốt, toàn ngành giá trị tăng 6,5% góp phần quan trọng trong GDP.
Riêng chứng khoán, giá chứng khoán của các doanh nghiệp xây dựng niêm yết năm 2020 tăng 27% và quý I/2021, đến thời điểm hiện tại tăng 31%. Chúng ta thấy rõ rằng thị trường đang đánh giá lĩnh vực bất động sản và xây dựng tương đối khả quan. Đương nhiên vẫn có các yếu tố rủi ro như TS. Lê Xuân Nghĩa đề cập.
Nhadat24h.net- Theo báo xây dựng