Theo các chuyên gia bất động sản, những tháng cuối năm 2022, thị trường bất động sản sẽ không có nhiều biến động khi nhiều nhà đầu tư mắc kẹt không bán được hàng nên đành phải cắn răng “ôm hàng” chờ sang năm 2023.
Anh Minh Quang - nhà đầu tư Hà Nội chuyên mua đất nền tại các dự án lớn ở khu vực miền Nam - cho biết, thị trường mất thanh khoản mấy tháng nay khiến anh không bán được mảnh đất, trong khi lịch đóng tiền theo tiến độ đến gần. Bán cắt lỗ không ai mua và ngân hàng không cho vay, anh Quang phải xoay xở vay mượn khắp nơi để đóng chờ hết năm để thoát hàng.
Tương tự, chị Bích Thu (Đống Đa, Hà Nội) cũng đầu tư căn liền kề tại Mê Linh với giá hơn 7 tỷ đồng. Chị Thu đóng được 40% theo tiến độ dự án. Từ nay đến hết năm, chị phải vào tiền tương ứng 75% tổng giá trị căn liền kề. Ngân hàng siết tín dụng, thị trường chững lại, dự án không có khách hỏi mua nên chị đành chọn cố gắng huy động tiền đóng theo tiến độ đến hết năm với kỳ vọng thị trường sẽ sớm phục hồi vào đầu sang năm.
Theo nhận định của các chuyên gia bất động sản, tình trạng các nhà đầu tư kẹt tiền mặt, có tài sản nhưng không có tiền để nộp thêm theo tiến độ đang diễn ra khá phổ biến trên thị trường hiện nay. Thị trường khó khăn, tín dụng bị siết cũng là thời điểm nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục bất động sản bằng cách bán bớt tài sản để quay dòng tiền. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng bán được giá như ý muốn. Không ít trường hợp nhà đầu tư dù "cắt lỗ" nhưng không có người mua, đành chấp nhận chôn vốn, hoặc gồng lãi ngân hàng để chờ cơ hội khác.
Theo báo cáo quý III/2022 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) về loại hình bất động sản nhà ở, nguồn cung thiếu và yếu về chất, trong đó, chủ yếu là sản phẩm cao cấp, giá trị lớn. Cụ thể, tổng nguồn cung trong 9 tháng năm 2022 đạt gần 42.000 sản phẩm, tương đương 77,9% so với 2021 và 24% so với năm 2018.
Tỷ lệ hấp thụ trung bình của thị trường trong 9 tháng qua chỉ đạt 43%. Riêng quý III/2022, giảm mạnh so với 2 quý nửa đầu năm khi chỉ đạt 33,5%.
Thị trường bất động sản từ nay đến cuối năm dự báo vẫn gặp khó khăn về thanh khoản.
VARS cho biết, trong quý vừa qua, lực cầu chủ yếu tới từ nhu cầu thực. Nhu cầu đầu tư lướt sóng cũng đã dè dặt hơn khi giá thị trường vẫn neo cao, thanh khoản thấp dù các chủ đầu tư đưa ra nhiều hình thức khuyến mãi, tặng quà, chiết khấu,...
“Hiện tượng sốt đất, bong bóng gần như không còn xuất hiện, đặc biệt là với sản phẩm đất nền bởi hoạt động đầu cơ giai đoạn này gần như bị triệt tiêu. Mặc dù có dấu hiệu sụt giảm nhưng thị trường bất động sản chưa rơi vào suy thoái”, VARS nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - cho rằng, hiện nhiều ngân hàng đã được nới “room” nhưng số tiền lại không nhiều, chỉ ở mức vài trăm nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu so với thị trường bất động sản tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung thì con số này lại không đáng kể để tạo sóng trên thị trường.
Theo TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, ở giai đoạn cuối năm, xu hướng nguồn cung dự báo không được cải thiện. Số lượng dự án ra thị trường chỉ ở mức tương đương với giai đoạn đầu năm 2022. Cùng với xu hướng nguồn cung khan hiếm thì mức giá sẽ liên tục biến động tăng ở hầu hết các phân khúc.
Nhadat24h.net- Theo báo xây dựng