Nhà đầu tư tay ngang ôm đất giá không tưởng, chấp nhận cắt lỗ, bán tháo; Đại gia địa ốc, xây dựng đồng loạt xin hỗ trợ: Ai cũng muốn cứu, cứu ai?... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.
Tin rao bán nhà phố ở Chùa Bộc bất ngờ tăng vọt, giá 300-600 triệu đồng/m2
Theo ghi nhận, lượng tin rao bán nhà mặt phố ở khu Chùa Bộc (Đống Đa, Hà Nội) bất ngờ nhiều lên trong vài ngày trở lại đây.
Cụ thể trên một trang chuyên rao bán bất động sản, chỉ trong vòng vài ngày gần đây có tới 14 căn nhà ở Chùa Bộc được rao bán. Giá cả các căn khá phong phú. Tùy thuộc vào vị trí, diện tích của mỗi căn nhà, giá rao bình quân dao động từ gần 100 triệu đồng đến 600 triệu đồng/m2.
Một căn góc mặt phố Chùa Bộc được người rao bán quảng cáo là "hàng hiếm" có diện tích hơn 48 m2 với 4 tầng, mặt tiền rộng 3,78 m. Giá chào bán là 29 tỷ đồng, tức là vào khoảng hơn 600 triệu đồng/m2. "Giá quá rẻ do gia chủ chuyển chỗ ở", người rao bán thông tin thêm.
Không chỉ là trục giao thông chính của quận Đống Đa, đường Chùa Bộc từng được ví là "thiên đường shopping" của các chị em. Việc kinh doanh ở khu phố này trước đây vô cùng sầm uất. Ở con phố này, giai đoạn bình thường khi chưa xảy ra đại dịch, rất hiếm khi có biển cho thuê chứ chưa nói đến rao bán nhà.
Nhiều cửa hàng ở con phố sầm uất bậc nhất Hà Nội đóng cửa, trả mặt bằng.
Bi kịch đầu tư bất động sản theo cơn sốt, bỏ đống tiền 10 năm giờ vẫn lỗ
Nhiều khu vực vùng ven Hà Nội đã trải qua các đợt sốt và tăng giá. Mới đây nhất là các đợt sốt ở Hoài Đức, Thạch Thất, Ba Vì..., giá bất động sản tăng dựng đứng. Cách đây cả chục năm là những cơn sốt ở Hà Đông, Sóc Sơn…
Không ít người giàu lên nhờ đất. Tuy nhiên cũng khá nhiều cuộc "sa lầy" đến cả chục năm nay chưa rút được chân vì đầu tư kiểu "mua đỉnh bán đáy", nhảy vào thị trường lúc sốt nóng nhất.
Kể lại câu chuyện mua đất cách đây hơn chục năm, chị Nguyễn Thị Miên (Hà Đông) nhớ lại: Thời điểm đó, khi có thông tin Hà Đông lên quận, đất sốt hầm hập. Lúc đó chị cùng người bạn gom góp được một khoản tiền cùng mua chung miếng đất khoảng hơn 60 m2 khu vực Đồng Mai với giá hơn 20 triệu đồng/m2.
Theo chuyên gia, những bài học sốt đất tại nhiều vùng ven Hà Nội vẫn còn đó, rộ lên rồi trầm lắng, không ai mua, để hoang rất nhiều.
Nhiều nhà đầu tư "lụt" ở đó, trong khi lúc mua thì đắt.
Tuy nhiên do không tính toán kỹ, giao dịch diễn ra khá vội vàng vì sợ "không mua sẽ mất cơ hội" nên sau này, miếng đất này giao dịch rất khó khăn vì xa xôi, hạ tầng tiện ích không phát triển, lối vào ô tô không qua được. Đến giờ sau chục năm bán vẫn lỗ.
Nhà đầu tư tay ngang ôm đất giá không tưởng, chấp nhận cắt lỗ, bán tháo
Theo báo cáo thị trường tháng 7 mới được công bố, DKRA Việt Nam cho biết sức cầu chung toàn thị trường đất nền giảm đáng kể.
Riêng tại thị trường thứ cấp, thanh khoản phân khúc đất nền thị trường phía Nam giảm mạnh so với giai đoạn trước khi dịch bùng phát. "Vào cuối tháng, thị trường xuất hiện một số nhà đầu tư có sử dụng đòn bẩy tài chính, chịu áp lực về lãi vay, họ chấp nhận cắt lỗ, giảm giá bán hoặc giảm một phần lợi nhuận để thu hồi dòng vốn", đại diện DKRA cho biết.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cũng cho biết cắt lỗ thì có nhiều, đó là nhà đầu tư tay ngang nhảy vào ôm đất với giá không tưởng, sau khi mua xong tìm cách bán để rút tiền. "Do giá cao, ít người mua đành phải hạ giá để thu tiền về. Nhiều nhà đầu tư tay ngang còn mua những sản phẩm không phù hợp với quy định pháp luật", ông Đính cho hay.
Đại gia địa ốc, xây dựng đồng loạt xin hỗ trợ: Ai cũng muốn cứu, cứu ai?
Mới đây, một loạt các công ty xây dựng lớn, như Delta, Cienco4, Vinaconex, Thành An, Phục Hưng Holdings... đã có văn bản gửi Hiệp hội các nhà thầu Xây dựng Việt Nam để kiến nghị với Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp xây lắp.
Doanh nghiệp bất động sản nói chung và các doanh nghiệp bất động sản nói riêng cũng cho biết họ cần oxy để tồn tại qua đại dịch. Một loạt đề xuất, kiến nghị hỗ trợ được doanh nghiệp đưa ra tại một tọa đàm về bất động sản vừa diễn ra.
Một loạt công ty xây dựng lớn đã phải kêu cứu trước tình hình vô cùng khó khăn (Ảnh minh họa).
Trao đổi với Dân trí, TS. Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên Đại học Bristol (Anh) - đặt vấn đề, giờ ai cũng kẹt thì biết cứu ai? Theo ông Tuấn, để hỗ trợ đúng đối tượng cần phải đặt vào tổng thể chung. "Khi kiểm soát dịch chặt chẽ thì cần có gói hỗ trợ lớn, nhưng nên ưu tiên cứu các ngành sản xuất trước. Bởi đây là xương sống của nền kinh tế", ông Tuấn bình luận.
Tuy nhiên vị chuyên gia cũng nhấn mạnh đối với bất động sản, xây dựng nên có chính sách riêng…
Lộ "mật ước" ở chung cư nhà giàu khiến giá bán chỉ tăng không giảm
Mới đây trên một diễn đàn về bất động sản, câu chuyện tại một chung cư thuộc hạng "sang chảnh" ở trung tâm Hà Nội với "mật ước" rất đặc biệt thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Theo chia sẻ, để giữ "giá nhà", các cư dân nơi đây có một mật ước bất thành văn: Nếu không thích, bán nhà đi nơi khác, chứ không kiện cáo để báo chí hay bên ngoài biết được, như thế sẽ làm giảm giá nhà.
Qua tìm hiểu cho thấy, từ khi bàn giao, nhờ "mật ước" nên khu chung cư này dù đã bàn giao và đi vào sử dụng đã lâu nhưng không hề xuống giá, thậm chí còn tăng vù vù. Tuy nhiên "cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra", "giấy không gói được lửa", từ khoảng gần một năm nay, chất lượng sống tại khu chung cư này xuống cấp ở mức "thảm hại" và mâu thuẫn nội bộ âm ỉ bắt đầu bùng nổ.
"Mật ước" theo đó cũng không còn khi dư luận tỏ tường những bất cập ở khu chung cư. Trên nhóm cư dân của khu này liên tục cập nhật những cuộc "khẩu chiến" với ban quản trị.
Nhadat24h.net- Theo báo xây dựng