Theo ông Nguyễn Đức Lập, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản, Nghị định 08 ra đời trong bối cảnh các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ở khối ngành bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã phải khất nợ khi các lô trái phiếu đáo hạn.
Vì vậy, ông Lập cho rằng nghị định mới sẽ tạo cơ sở pháp lý và giúp doanh nghiệp có thêm thời gian để tái cấu trúc, cơ cấu nợ, hoán đổi thành các tài sản khác phù hợp.
“Nghị định đã tạo điều kiện để hai bên là nhà đầu tư và đơn vị phát hành trái phiếu có cơ hội đàm phán, xử lý những khó khăn, vướng mắc do thị trường gây nên. Đây là cơ hội cuối cùng để doanh nghiệp vượt khó và lấy lại niềm tin từ khách hàng”, ông Lập chia sẻ với báo chí.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, cho biết trước khi có Nghị định 08, doanh nghiệp không thanh toán khi đáo hạn trái phiếu sẽ phải hầu tòa, bị đình chỉ, không được tiếp xúc với các nguồn vốn khác, dừng hoạt động và đi đến phá sản. Điều này sẽ làm doanh nghiệp, nhà đầu tư, ngân hàng và cả nền kinh tế ngày càng khó khăn.
Theo ông Đính, nhiều điều kiện ngoại cảnh đã tác động đến ngành bất động sản như suy thoái kinh tế, chính sách thắt chặt tín dụng, cơ chế pháp lý vướng mắc…
Do đó, Nghị định 08 đưa ra để gia hạn thêm thời gian và tạo điều kiện để doanh nghiệp thương thảo với nhà đầu tư. Đôi bên đều sẽ phải chấp nhận thiệt thòi.
"Dẫu vậy, đây vẫn là cơ hội để cả nhà đầu tư và doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại”, ông Nguyễn Văn Đính chia sẻ.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp nhà đất đáo hạn trong 2 năm 2023 và 2024 ở mức rất lớn, lên tới 230.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2023 là khoảng 119.000 tỷ đồng.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.