Có thể thấy, trong tuần qua, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác phải đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn tác động lên tài chính – kinh tế, đặc biệt là thị trường chứng khoán. Theo đó, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán đều sụt giảm doanh thu.
Theo một số chuyên gia, tình hình tại Trung Quốc đã được kiểm soát trở lại và không có quá nhiều tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh bùng phát sang các quốc gia khác vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là Việt Nam trong cuối tuần qua. So sánh mức giảm từ thời điểm dịch Covid-19 lan rộng ra ngoài Trung Quốc thì Việt Nam đang là quốc gia có mức giảm chỉ số thấp nhất do chưa xuất hiện diễn biến xấu. Thế nhưng cuối tuần này, dịch đã có nhiều diễn biến quan ngại hơn.
Cụ thể, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát vào giữa tháng 12/2019 tại thành phố Vũ Hán (Hồ Bắc), chỉ số Shanghai tại Trung Quốc ở mức 3017 điểm sau đó tăng lên tạo đỉnh ở mức 3115.57 điểm vào ngày 13/01/2020. Đến khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh mẽ tại Trung Quốc vào giữa tháng 1/2020 thì thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng ghi nhận sự giảm điểm mạnh về mức 2746 điểm vào ngày 03/2/2020, tương ứng với mức giảm -11,86% từ đỉnh 3115 điểm. Tuy nhiên, sau đó chỉ số Shanghai đã phục hồi trở lại và hiện đang ở mức 3034 điểm, cao hơn cả lúc dịch bệnh bắt đầu bùng phát vào giữa tháng 12/2019.
Khi chứng kiến dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc, tâm lý tiêu cực đã ảnh hưởng chung đến thị trường chứng khoán các nước khác. Số liệu thống kê các chỉ số chứng khoán các nước từ ngày 13/01/2020 đến ngày 03/02/2020 cho thấy: Chỉ số Dowjones (Mỹ) giảm từ 28.907 điểm về 28.399 điểm, tương ứng với mức giảm -1,7%; Chỉ số FTSE 100 (Anh) giảm từ 7.617 điểm về 7.326 điểm, tương ứng mức giảm -3,8%; Chỉ số DAX (Đức) giảm từ 13.454 điểm về 13.024 điểm, tương ứng mức giảm -3,2%; Chỉ số CAC 40 (Pháp) giảm từ 6.029 điểm về 5.801 điểm, tương ứng mức giảm -3,7%. Cùng với đó, chỉ số FTSE MIB (Ý) giảm từ 23.896 điểm về 23.460 điểm, tương ứng mức giảm -1,8%; Chỉ số Nikkei (Nhật) giảm từ 24.025 điểm về 22.971 điểm, tương ứng giảm -4,38%; Chỉ số KOSPI (Hàn Quốc) giảm từ 2.229 điểm về 2.118 điểm, tương ứng mức giảm – 4,9%; Chỉ số VNINDEX giảm từ 968 điểm về 928 điểm, tương ứng mức giảm -4,1%.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát từ giữa tháng 2 cho đến nay, thị trường chứng kiến sự sụt giảm rõ rệt. Quốc gia đầu tiên ghi nhận bùng phát dịch Covid-19 là Nhật Bản, chỉ số Nikkei giảm từ 23.479 điểm vào ngày 20/02/2020 về 20.749 điểm vào ngày 06/03/2020, tương ứng mức giảm -11,62%. Tiếp đến là Hàn Quốc, Iran và các nước châu Âu bùng phát dịch, chỉ số KOSPI (Hàn Quốc) giảm từ 2.242 điểm vào ngày 17/02 về 2.040 điểm ngày 6/03, tương ứng mức giảm -9%. Chỉ số FTSE MIB (Ý) giảm từ 25.477 điểm ngày 19/02 về 20.799 điểm ngày 06/03, tương ứng mức giảm -18,36%; Chỉ số FTSE 100 (Anh) giảm từ 7.457 điểm ngày 19/02 về 6.462 điểm ngày 06/03, tương ứng mức giảm -13,3%; Chỉ số DAX (Đức) giảm từ 13.789 điểm ngày 19/02 về 11.541 điểm ngày 06/03, tương ứng mức giảm -16,3%; Chỉ số CAC 40 (Pháp) giảm từ 6.111 điểm ngày 19/02 về 5.139 điểm ngày 06/03, tương ứng mức giảm -15,9%; Chỉ số Dowjones (Mỹ) giảm từ 29.348 điểm ngày 19/02 về 25.864 điểm ngày 06/03, tương ứng mức giảm -11,87%. Riêng chỉ số VNINDEX giảm từ 978 điểm ngày 20/02 về 891 điểm ngày 06/03, tương ứng mức giảm -8,8%.
Theo dự báo, chỉ số VNINDEX có nhiều nguy cơ giảm thêm 8 - 10% trong thời gian tới, tương ứng mức giảm về vùng 810 – 825 điểm, hỗ trợ mạnh đầu tiên là 850 điểm. Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt thì mức hỗ trợ này sẽ là ngưỡng tâm lý chịu đựng tốt khi chỉ số giảm 15% từ đầu dịch bệnh.
Căn cứ vào thống kê mua/bán của nhà đầu tư nước ngoài đối với 20 mã cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn gâp áp lực bán rất lớn đến thị trường Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến thị trường vẫn còn bấp bênh.
Thống kê giao dịch nhà đầu tư nước ngoài thời điểm từ 30/1 – 6/3.
Cũng theo Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp còn lại chỉ đạt mức tăng trưởng bình quân doanh thu 7% và lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 11%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng lợi nhuận lên đến 47% của năm 2018.
Có thể thấy, dịch Covid-19 đang tác động rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam, làm tăng thêm khó khăn cho thị trường bất động sản, nhất là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Do đó, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của dịch Covid-19 như cho phép khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay, cơ cấu lại các khoản vay, giãn tiến độ nộp thuế, duy trì mặt bằng lãi suất thấp… để giúp cho một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật nhưng đang gặp khó khăn vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ngoài ra, các vấn đề cũ của thị trường cần được đẩy mạnh triển khai như tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi, nới room sở hữu nước ngoài, cổ phần hoá gắn với niêm yết và tăng chế tài quản lý để công khai, minh bạch hơn nữa...
Nguồn: https://baoxaydung.com.vn/nhieu-doanh-nghiep-bat-dong-san-niem-yet-tren-san-chung-khoan-sut-giam-doanh-thu-274771.html