• Nhu cầu nhà ở của tầng lớp yếu thế rất lớn

Nhu cầu nhà ở của tầng lớp yếu thế rất lớn

Ngày cập nhật: 23/8/2022 » Thị trường nhà đất

Theo số liệu được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) công bố mới đây, trong giai đoạn 2015 - 2020, TP.HCM thực hiện được 15.000 căn hộ nhà ở xã hội, đạt 75% kế hoạch, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở rất lớn của tầng lớp yếu thế trong xã hội là người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động và người nhập cư.

Hiện, TP.HCM có khoảng 285.000 công nhân tại 17 khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng chỉ có 15% được thuê ở tại các nhà lưu trú công nhân, chưa bao gồm 95.000 công nhân các cụm công nghiệp.

Riêng, Công ty Giầy Pou Yen có hơn 80.000 công nhân, trong đó có 16.000 công nhân thuê phòng trọ tại các tỉnh lân cận, phần lớn ở tỉnh Long An.

Trong số các khu công nghiệp, khu chế xuất nói trên, đến nay có 6 khu công nghiệp, khu chế xuất đã có nhà lưu trú công nhân. Đáng lưu ý, có một số doanh nghiệp đã xây nhà lưu trú công nhân, như:

Công ty Nissei Electric 1.520 chỗ ở; Palace 1.012 chỗ ở; Đức Bổn 416 chỗ ở. Tuy nhiên, các con số ấy vẫn còn rất khiêm tốn.

Những năm qua, để có chỗ nương thân, lực lượng lao động chỉ còn cách thuê nhà trọ bên ngoài.

Hiện, TP.HCM có khoảng 60.470 cơ sở nhà trọ của cá nhân, hộ gia đình với 560.219 phòng trọ đã giải quyết chỗ ở cho khoảng 1,4 triệu công nhân lao động thuê phòng trọ với giá thuê khoảng 800 nghìn cho đến 1,5 triệu đồng/tháng, nhưng tiền thuê nhà đã chiếm đến khoảng 20% thu nhập của công nhân lao động.

Trong khi đó, theo kết quả khảo sát của Liên đoàn Lao động TP.HCM, đối với công nhân ngành may mặc, thu nhập bình quân khoảng 6,8 triệu đồng/tháng.

Trong đó có đến 21% có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng; 40% có thu nhập 5 - 8 triệu đồng/tháng; 16% có thu nhập 8 - 12 đồng/tháng; chỉ có khoảng 3% có thu nhập trên 12 triệu đồng/tháng.

Đặc biệt, có đến 41% công nhân lao động cho biết không đủ sống; 15,8% cho biết vừa đủ sống; 22,3% cho biết có dư chút ít và 21,9% cho biết có dư kha khá.

Như vậy, có đến khoảng 56,8% công nhân lao động có thu nhập rất thấp. Do đó, đa số công nhân chỉ có thể thuê phòng trọ với giá thuê khoảng trên dưới 1 triệu đồng/tháng và chi phí thuê này đã chiếm khoảng trên dưới 20% tổng thu nhập.

Khoảng 60% công nhân lao động nhập cư chỉ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội, phòng trọ để sau một thời gian 10 - 15 năm làm việc tích lũy được một số vốn rồi trở về quê.

Nhadat24h.net- theo báo đấu thầu.