Nếu có ý định đầu tư vào đất xen kẹt, bạn nên tìm hiểu kỹ để tránh những rủi ro không đáng có.
Đất xen kẹt là gì?
Trên thực tế, định nghĩa về đất xen kẹt không được quy định trong Luật đất đai mà thuật ngữ này là do người mua và người bán tự đặt tên.
Đất xen kẹt được hiểu nôm na là đất vườn, đất nông nghiệp và chưa được công nhận là đất ở, nằm trong các khu dân cư, hoặc đất dư sau quy hoạch. Thông thường, những loại đất này không có sổ đỏ và được chuyển nhượng thông qua giấy tờ viết tay.
Vì nằm xen kẹt trong các khu dân cư nên những mảnh đất nông nghiệp này thường có diện tích không quá lớn. Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của các khu đô thị mới, các dự án hạ tầng giao thông khiến diện tích đất canh tác bị thu hồi, đồng ruộng bị chia cắt, từ đó tạo ra ngày càng nhiều khu đất xen kẹt.
Đất xen kẹt thường nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Ảnh: LĐO
Có làm được sổ đỏ khi mua đất xen kẹt không?
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 101 Luật Đất đai 2013, đất xen kẹt có thể được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu như đáp ứng các điều kiện sau:
- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 1 tháng 7 năm 2004.
- Đất không vi phạm pháp luật về đất đai.
- Đất được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch.
Có nên đầu tư vào đất xen kẹt không?
Tiềm năng: Nếu so về giá thì đất xen kẹt rẻ hơn rất nhiều so với đất thổ cư. Đặc biệt, nếu mua được đất xen kẹt nằm trong khu vực dân cư thì người mua sẽ được hưởng cơ sở hạ tầng, tiện ích xung quanh sẵn có. Nhiều trường hợp, đất xen kẹt còn có thể chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất thổ cư để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây nhà.
Rủi ro: Đa phần các mảnh đất xen kẹt thường nằm xen kẽ trong các khu dân cư, diện tích thường hạn hẹp và không có địa hình thuận lợi. Ngoài ra, các thủ tục thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất rất phức tạp, chi phí cao và số ít mảnh đất mới đủ điều kiện chuyển đổi.
Đặc biệt, giao dịch mua bán đất xen kẹt thường chỉ thông qua bằng giấy tờ viết tay. Ngoài việc không được pháp luật công nhận, điều này còn dẫn đến nhiều rủi ro không đáng có cho người mua.
Báo xây dựng