• Phát triển đô thị bền vững ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

Phát triển đô thị bền vững ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

Ngày cập nhật: 29/8/2023 » Thị trường nhà đất

Quy hoạch đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ góp phần làm giảm tác động xấu của môi trường lên cuộc sống của người dân, tạo không gian, môi trường sống xanh.

Đồng bằng Sông Cửu Long là vùng có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.

Vùng đã có bước tiến dài trong việc quy hoạch và phát triển đô thị song cũng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.

Do đó, việc phát triển đô thị bền vững đòi hỏi sự điều tiết hài hòa với bình ổn xã hội và bảo vệ môi trường.

Đây là vấn đề nổi bật mà chính quyền địa phương trong vùng cùng với chuyên gia, nhà hoạch định chính sách phải đặc biệt quan tâm để có những định hướng quy hoạch, phát triển đô thị lâu dài, thiết thực, ổn định.

Tại Đồng bằng Sông Cửu Long, việc hình thành và phát triển đô thị bền vững đang phải đối mặt với việc biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn so với dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân.

Bài toán đặt ra cần có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động tối đa nguồn lực và sự tham gia của thành phần kinh tế để phát triển bền vững đô thị vùng.

Thông tin từ Hội thảo “Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng Đồng bằng Sông Cửu Long” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Xây dựng, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tổ chức tại Hậu Giang vừa qua, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long hiện có 211 đô thị; tỷ lệ đô thị hóa của vùng là 32%, thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước là 40,5%.

Dự báo giai đoạn 2021-2025 vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có trên 250 đô thị; trong đó, 4 đô thị loại I, 2 đô thị loại II, 11 đô thị loại III, 42 đô thị loại IV và 78 đô thị loại V.

Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 khoảng 35%-36%, năm 2030 đạt khoảng 42%-48% (cả nước dự kiến 45% năm 2025 và hơn 50% vào năm 2030).

Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) bà Trần Thị Lan Anh cho biết Đồng bằng Sông Cửu Long được cảnh báo là 1/3 vùng đồng bằng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất thế giới.

Theo dự báo, mực nước biển sẽ dâng lên từ 0,5-1m vào cuối thế kỷ XXI.

Do đó, nếu không có giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu thì 35% dân số vùng Đồng bằng Sông Cửu Long với 39% diện tích chịu ảnh hưởng.

Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.