Theo Chương trình phát triển nhà trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, giai đoạn 2011-2020 phải xây dựng được 2 dự án nhà ở thu nhập thấp với 180.000m2 sàn, khái toán kinh phí đề ra hơn 1.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bất kỳ dự án nhà ở xã hội nào được thực hiện và đi vào hoạt động.
Mục tiêu cách xa thực tế
Để hỗ trợ người lao động, công nhân khu công nghiệp, viên chức, công chức có được chỗ ở ổn định, chương trình phát triển nhà ở xã hội đã được triển khai trên cả nước.
Tuy vậy, tại Quảng Bình, hai điểm nghẽn lớn nhất ảnh hưởng đến dự án nhà ở xã hội là thiếu nguồn vốn và thiếu quỹ đất.
Trong đó, pháp luật đã có quy định dành 20% diện tích tại các dự án nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội nhưng quá trình thực hiện quy định này còn gặp nhiều trở ngại.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có bất kỳ dự án nhà ở xã hội nào được thực hiện và đi vào hoạt động. Mặc dù, trong Chương trình phát triển nhà ở của địa phương giai đoạn 2011-2020 đã đặt ra mục tiêu phải xây dựng được 2 dự án nhà ở thu nhập thấp với 180.000 m2 sàn, khái toán kinh phí đề ra hơn 1.200 tỷ đồng.
Chia sẻ về những khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội, ông Hoàng Xuân Thuận - Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Sở Xây dựng) cho biết: Hai nhóm nguyên nhân chính dẫn đến mục tiêu nhà ở xã hội chưa đạt.
Trước hết do thiếu quỹ đất sạch. Một số địa phương khi quy hoạch đô thị, khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất cho nhà ở xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% diện tích trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội hoặc có bố trí nhưng ở vị trí không thuận lợi, chưa giải phóng xong mặt bằng.
Nguyên nhân thứ hai là nguồn lực tài chính, tín dụng đối với loại hình nhà ở này không dồi dào. Giai đoạn 2016-2020, ngân sách để phát triển nhà ở xã hội bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội rất ít. Các doanh nghiệp cũng chưa mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này.
Nhìn nhận nhà ở xã hội hiện nay quá thiếu so với nhu cầu, ông Hoàng Xuân Thuận dẫn chứng, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cả năm 2020, 2021 không có dự án nhà ở xã hội nào được công bố.
Đối với vấn đề quỹ đất dành cho nhà ở xã hội, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình lý giải, theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, tại đô thị loại 3 trở lên, với dự án có quy mô dưới 10ha, chủ đầu tư có thể lựa chọn dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án hoặc chuyển giao quỹ nhà ở tương đương, hoặc nộp bằng tiền tương đương giá trị đất.
Thực tế, hầu hết các chủ đầu tư đều lựa chọn phương thức nộp bằng tiền và được kinh doanh toàn bộ sản phẩm của dự án vì có lợi hơn nhiều so với xây dựng nhà ở xã hội.
Đối với dự án quy mô từ 10ha trở lên, quy định pháp luật yêu cầu phải dành 20% diện tích để xây dựng nhà ở xã hội (không được chuyển đổi sang hình thức khác).
Qua đôn đốc, đến nay mới chỉ có 5 dự án thực hiện, với tổng diện tích đất dành cho phát triển nhà ở xã hội là 9,36ha.
Lối đi nào cho nhà ở xã hội?
Ông Phan Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: Phương án phát triển các loại hình nhà ở năm 2022 gồm nhà ở thương mại 123.000m2 sàn; nhà ở xã hội 5.750m2 sàn; nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng 652.000m2 sàn. Theo tính toán, diện tích đất để phát triển nhà ở xã hội là 23,4ha.
Ngày 28/11/2021, UBND tỉnh Quảng Bình đã ký Quyết định số 3861/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu nhà ở xã hội tại xã Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới, tỷ lệ 1/500 nhằm cụ thể hóa khu vực khu đất đã lập quy hoạch có diện tích 113.000m2.
Trong đó, tổ chức không gian, bố trí các khu chức năng của khu nhà ở xã hội đảm bảo quy mô sử dụng về tầng cao, cốt nền, chiều cao tầng như: Khuyến khích xây dựng công trình với chiều cao đến 12 tầng làm điểm nhấn kiến trúc;
Cốt nền dự kiến từ 0,2m÷1,5m, chiều cao tầng 1 từ 3,0m÷5,0m, chiều cao tầng trên 3,3m÷3,6m. Với công trình nhà ở xã hội thấp tầng: Chiều cao ≤ 3tầng; cốt nền từ 0,2m÷0,45m; chiều cao tầng 1: 3,6m÷3,9m. Hiện đang thực hiện quy trình thủ tục lựa chọn chủ đầu tư.
Không khó để nhận thấy rằng, quy định về việc tạo quỹ đất cho nhà ở xã hội đã có nhưng đi kèm với đó cần những chế tài đủ mạnh để buộc chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải thực hiện.
Về vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, sẽ huy động từ nguồn vốn của doanh nghiệp, vốn vay các tổ chức tín dụng ưu đãi, vay Ngân hàng chính sách xã hội;
Bên cạnh đó còn ngân sách thu từ các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô dưới 5ha tại các đô thị loại III trở lên và quy hoạch là đô thị loại III trở lên nhưng không quy hoạch quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội.
Dự kiến, giai đoạn 2022-2030, tỉnh Quảng Bình sẽ cần triển khai đầu tư xây dựng từ 5-7 dự án nhà ở xã hội.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.