Tại Diễn đàn Bất động sản Tây Nam bộ 2022, các chuyên gia bất động sản, chuyên gia kinh tế đã chia sẻ nhiều vấn đề xoay quanh kinh tế vĩ mô, thị trường bất động sản trong cả nước và miền Tây Nam bộ.
Theo các chuyên gia bất động sản, trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản cả nước nói chung và miền Tây Nam bộ nói riêng đã gặp nhiều tác động khó khăn, thách thức.
Theo thông tin Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, lượng cung và giao dịch bất động sản nhà ở tại các dự án trong cả nước 6 tháng đầu năm 2022 sụt giảm mạnh, chỉ hơn 22.700 sản phẩm, giao dịch đạt xấp xỉ 11.500 sản phẩm, đạt 50,9%.
Căn hộ bình dân chỉ chiếm 4,1%, căn hộ trung cấp 17,2%, căn hộ cao cấp 26,3% và thấp tầng, đất nền chiếm 52,4%. So với năm 2019, cung 6 tháng đầu năm 2022 giảm 47,4%, giao dịch giảm 64,4%.
So với năm 2020, lượng cung giảm 68,2%, giao dịch giảm 42,84%. So với năm 2021 lượng cung 6 tháng đầu năm 2022 giảm 73,8%, giao dịch giảm 75,4%.
TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam phân tích thị trường bất động sản cho rằng:
“Thị trường bất động sản nửa đầu năm 2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, giá liên tục tăng; cấu trúc thị trường phân bố mạnh vào bất động sản đầu cơ, giá cao;
Dòng tiền đổ mạnh cho nhu cầu trú ẩn và đầu cơ, nhiều hơn phục vụ nhu cầu thực; sự phân ly mạnh mẽ giữa giá đất nền và giá căn hộ.
Lạm phát phủ bóng lên nền kinh tế, dòng tiền có những dấu hiệu chậm lại. Thanh khoản giảm rõ rệt. Chính sách siết chặt tín dụng và hạn chế nguồn cung làm cho giá bị đẩy lên, vượt quá sức mua của phần lớn người dân.
Các kênh huy động yếu và thiếu. Nhà đầu tư dần mất niềm tin. Dòng tiền dễ chủ yếu phân bố vào các dạng bất động sản đầu cơ nên đẩy giá nhà tăng quá nhanh.
Nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp không được chú trọng, dẫn đến thiếu nguồn cung cho phân khúc mà nhu cầu để ở thực rất cao.
Dự báo thì thị trường đang trải qua thời kỳ tái cân bằng; giá nhà sẽ chịu áp lực tăng do chi phí tăng, lạm phát, nhu cầu nhà ở cao và nguồn cung thấp tiếp tục khiến chi phí tăng vọt;
Đáng chú ý thanh khoản sẽ giảm, dòng tiền dễ không còn, các nhà đầu tư cũng có xu hướng cho dòng tiền nghỉ ngơi và trở nên thận trọng hơn.
Nếu không được tháo gỡ, có thể có một giai đoạn đóng băng dài và gây đổ vỡ cho các doanh nghiệp. Vì vậy, cần có các chính sách hỗ trợ để quá trình tái cân bằng của thị trường diễn ra “mềm”.
Tại thành phố Cần Thơ - Trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, thị trường bất động sản nơi đây cũng bị nhiều tác động thách thức.
Ông Phạm Văn Luận, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ, cho biết: “Thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2022 gặp khá nhiều khó khăn thách thức, tuy nhiên trong tương lai gần sẽ dần được tháo gỡ về nguồn vốn bất động sản, cũng như khơi thông dòng chảy đầu tư về khu vực Tây Nam bộ thông qua triển vọng về cơ sở hạ tầng giao thông đang được đẩy mạnh và dòng vốn FDI tiếp tục đổ về thành phố Cần Thơ cũng như khu vực.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.