Bên cạnh các chính sách ưu đãi vượt trội để thu hút đầu tư, Thanh Hóa luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, với phương châm “thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh Thanh Hóa”.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, tính đến ngày 30/5/2023, trên địa bàn tỉnh có 3.245 dự án được giao đất, cho thuê đất, với tổng diện tích 17.979,6 ha.
Trong giai đoạn từ tháng 7/2014 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất đối với 727 lượt dự án (chiếm 22,65% tổng số dự án được giao đất, cho thuê đất).
Kết quả, có 339 dự án không thực hiện, hoặc thực hiện chậm tiến độ (chiếm 10,5% tổng số dự án được giao đất, cho thuê đất).
Các dự án không thực hiện, hoặc thực hiện chậm tiến độ chủ yếu thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ.
Cụ thể: có 18 dự án không triển khai thực hiện (không sử dụng đất trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ khi được bàn giao đất trên thực địa, vi phạm quy định tại Điểm I Khoản 1 Điều 64, Luật Đất đai năm 2013); có 321 dự án chậm tiến độ đầu tư (trong đó 167 dự án chậm tiến độ đầu tư nhưng chưa chậm quá 24 tháng, nên chưa vi phạm pháp Luật Đất đai; 154 dự án chậm tiến độ đầu tư quá 24 tháng).
Ngoài ra, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trên cơ sở báo cáo của UBND cấp huyện và danh sách tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường đã rà soát và thành lập đoàn kiểm tra việc sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư đối với 141 dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh (theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 7586/UBND-NN ngày 31/5/2023) và dự kiến sẽ báo cáo kết quả kiểm tra trước ngày 30/9/2023.
Đi tìm căn nguyên cho sự chậm trễ này, trước hết không thể không nhấn mạnh đến trách nhiệm và năng lực của các chủ đầu tư. Bên cạnh đó, cũng có những dự án “chậm kinh niên” hàng chục năm, mà nguyên nhân là do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) kéo dài.
Song, bên cạnh trách nhiệm và năng lực của nhà đầu tư, cũng cần khách quan nhìn nhận về vai trò, trách nhiệm của cả cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền các địa phương liên quan.
Có một vấn đề đã và đang tồn tại, dù đã được “nhận diện” nhưng để tháo gỡ là không dễ, đó là hiệu quả phối hợp liên ngành. Bởi lẽ, thủ tục đầu tư dự án liên quan đến nhiều ngành (chẳng hạn như: Kế hoạch và đầu tư, xây dựng, tài nguyên và môi trường, phòng cháy chữa cháy...).
Do đó, nếu việc phối hợp giữa các ngành không chặt chẽ, nhịp nhàng, kịp thời, hiệu quả và không vì lợi ích chung, mà theo kiểu “quyền anh”, “quyền tôi”; thì cái mất ở đây không chỉ là mất nhiều thời gian của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án, mà còn là mất niềm tin của họ vào môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương.
Có thể khẳng định, nhiều năm trở lại đây, bên cạnh các chính sách ưu đãi vượt trội để thu hút đầu tư, Thanh Hóa luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, với phương châm “thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh Thanh Hóa”.
Song, thực tế không phải ngành nào, địa phương hay đơn vị nào cũng thực hiện phương châm ấy một cách nhanh chóng, triệt để và hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa.
Cũng bởi tinh thần trách nhiệm chưa cao của một số Sở, ngành, UBND cấp huyện, nên việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư chưa kịp thời. Và đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến nhiều dự án vẫn còn “nằm”... trên giấy.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.