Tại buổi tọa đàm ''Tháo gỡ khó khăn cho thị trường Condotel'' do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, diễn ra sáng ngày 27/2 một số chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải có khung pháp lý rõ ràng để tháo gỡ các tồn tại của loại hình này.
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả khách mời cùng tập chung thảo luận những vấn đề như: Giải thích rõ về nội dung Văn bản 703/BTNMT-TCQLĐĐ do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành mới đây; Góp ý bổ sung, hoàn thiện pháp lý cho Condotel; Bổ sung các văn bản hướng dẫn, đề xuất sửa đổi trong Luật Đất đai; Kinh nghiệm phát triển Condotel trên thế giới; Gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư Condotel tại Việt Nam; Tương lai Condotel; Đề xuất các giải pháp để Condotel phát triển bền vững; Diễn biến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong năm 2020...
Theo GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, không nên quá bận tâm đến tên gọi là Condotel hay căn hộ du lịch mà cần xem xét đến bản chất của bất động sản du lịch, cũng như shophouse hay officetel... đó là bất động sản đa công năng, đa mục đích. Đối với Condotel, là có phần dùng làm khách sạn, phần làm chung cư. Trong Luật Đất đai 2003 quy định một thửa đất có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Do đó, Condotel không có vấn đề gì tồn tại vì bản chất là một loại hình bất động sản đa công năng hay thửa đất được sử dụng vào nhiều mục đích.
Do đó, ông Đặng Hùng Võ cho rằng, việc loay hoay với cái tên mà chưa đưa Condotel vào hệ thống pháp luật là không cần thiết bởi nếu sau này, thực tế phát triển có thêm những tên gọi khác thì không thể đưa tên gọi vào luật cho phù hợp được. Các doanh nghiệp khi đầu tư vào Condotel đang gặp một số vướng mắc như khi đầu tư vào Condotel được chính quyền cam kết cho thuê đất với thời gian dài hạn nhưng sau đó xảy ra nhiều vấn đề về mặt pháp lý… điều này đã khiến doanh nghiệp e ngại.
Bên cạnh đó, Luật sư Nguyễn Danh Huế - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hừng Đông cho rằng, từ trước đến nay, chúng ta hô hào phấn đấu đạt tăng trưởng du lịch cao, nhưng chúng ta lại chưa có số liệu về phát triển Condotel nói riêng. Trong khi đó, doanh nghiệp cần dữ liệu để quyết định đầu tư, còn địa phương thì cần dữ liệu để quyết định cấp phép cho các dự án Condotel. “Dự án Condotel có cam kết cao nhưng nhiều nhà đầu tư không có năng lực thực thi các dự án này. Nếu không có hành lang pháp lý, thì tôi dự báo trong 5 năm tới thị trường Condotel sẽ rất khó khăn, thậm chí bị “vỡ trận”, Luật sư Danh nhấn mạnh.
Tại buổi tọa đàm, một số chuyên gia cho rằng nếu không có khung pháp lý rõ ràng thì thời gian tới thị trường Condotel sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Còn ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, với tiềm năng phát triển du lịch sẵn có của Việt Nam, tiềm năng phát triển Condotel trong 10-20 năm tới là rất tốt, quan trọng là rút kinh nghiệm được từ những thành công của mô hình tương tự đi trước của thế giới. Đặc biệt, việc xây dựng hạ tầng Condotel mới là bước đầu, vấn đề quan trọng là chúng ta quản trị, khai thác nó sao cho hiệu quả. “Sau khoảng 5 năm xuất hiện, với những quy định của pháp luật đang dần hoàn thiện và nhu cầu hiện có của thị trường chúng tôi tin tưởng thành công của mô hình Condotel tại Việt Nam trong thời gian tới”, ông Nguyễn Chí Thanh nói.
Nhằm tháo gỡ cho nhà đầu tư, tránh tranh chấp, bà Phạm Thị Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ. Trước khi ban hành quy chuẩn xây dựng, Bộ cũng đã tham gia hội đồng và góp ý với Bộ Xây dựng cần quy chuẩn xây dựng xác định rõ diện tích chung, riêng và thể hiện rõ trong hợp đồng mua bán căn hộ tương tự như hợp đồng mua bán căn hộ chung cư: Diện tích sử dụng bao nhiêu, chung cái gì, ban công hay đường đi...
Bắt đầu từ lúc thực hiện dự án, quy hoạch sử dụng đất, giao đất, giấy phép xây dựng, hồ sơ hoàn công, hợp đồng mua bán căn hộ lại tuân theo pháp luật kinh doanh bất động sản cũng như pháp luật về mặt dân sự. Khâu cuối cùng mới là khâu cấp giấy, là sản phẩm cuối của tất cả các ngành khác.
"Bản thân các cơ quan qản lý Nhà nước luôn muốn song hành với các doanh nghiệp để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh cũng là cách thức để tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước", bà Thịnh khẳng định.
Ông Vũ Văn Thanh - Vụ trưởng Vụ khách sạn, Tổng Cục Du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng hy vọng thời gian tới, khi Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh được thực hiện và các ngành, các cấp có đề xuất điều chỉnh, sửa đổi bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật rõ ràng thì chắc chắn có số liệu thống kê phục vụ cho công tác quản lý cũng như sự minh bạch của thị trường để hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư.
Nguồn: https://baoxaydung.com.vn/thao-go-kho-cho-thi-truong-condotel-274003.html