Các nhà đầu tư phía Bắc ngày càng mở rộng hoạt động xuống các tỉnh, thành phía Nam, xu hướng này gọi là "Nam tiến". Ngược lại, các nhà đầu tư phía Nam lại đang có xu hướng "Bắc tiến".
Trong 2 năm gần đây, thị trường bất động sản Hà Nội đã đón nhận ồ ạt dòng vốn mới, đến từ giới đầu tư các nhà đầu tư phía Nam, đa phần là nhà đầu tư TP.HCM.
Ngay trong năm 2020, bất chấp các ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, các "ông lớn" trong ngành bất động sản TP.HCM liên tục công bố các dự án chung cư, khu đô thị mới tại Hà Nội.
Ngay trong tháng 11, một chủ đầu tư có nhiều dự án bất động sản tại TP.HCM, nhưng lần đầu tiên công bố phát triển một dự án tỷ đô tại khu Đông, Hà Nội.
Trong 2 năm gần đây, thị trường bất động sản Hà Nội đã đón nhận ồ ạt dòng vốn đến từ các nhà đầu tư phía Nam. Ảnh minh họa: Vũ Đức Anh
Theo đánh giá của giới chuyên gia, hiện tại, quỹ đất của TP.HCM đang dần trở nên khan hiếm, giá nhà tại TP.HCM và một số tỉnh chạm mức cao. Trong khi đó, thị trường bất động sản miền Bắc hiện có nhiều dư địa tăng trưởng, đặc biệt về giá. Vì thế, một số chủ đầu tư có tiếng ở thị trường miền Nam sẽ gia nhập miền Bắc.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho rằng, việc các nhà đầu tư phía Nam có xu hướng "Bắc tiến" và ngược lại, các nhà đầu tư phía Bắc lại có xu hướng "Nam tiến" là xu hướng tất yếu của thị trường và nó không phụ thuộc vào yếu tố nguồn cung.
Dựa vào số liệu từ VARs, ông Thanh trích dẫn: "Nhiều thông tin cho rằng, sở dĩ nhà đầu tư hoặc các chủ đầu tư lớn tại TP.HCM "Bắc tiến" là do thủ tục phê duyệt các dự án mới tại TP.HCM ngày càng khó khăn, dẫn tới hiện tượng nguồn cung sụt giảm. Điều này chỉ đúng một phần. Bởi, thực tế các dự án mới tại TP.HCM vẫn có, cho dù không được dồi dào như trước", ông Thanh cho biết.
Theo giải thích của Phó Chủ tịch VARs: Nguyên nhân sâu xa của quá trình "Bắc tiến" của giới đầu tư hoặc các "ông lớn" trong ngành địa ốc TP.HCM, là do họ "thay đổi khẩu vị" và tìm được một "miền đất hứa" mới hơn, tiềm năng và có dư địa cao hơn.
"Hiện nay, cơ cấu về dòng tiền và quy mô đầu tư thì các nhà đầu tư không còn phân biệt giữa miền Bắc và miền Nam nữa. Thay vào đó, khi nhận thấy tiềm năng ở một khu vực nào đó, giới đầu tư sẽ tìm đến như cơ hội mới", ông Thanh nói.
Xu hướng đầu tư nghịch đảo đã xuất hiện từ nhiều năm trước, tuy nhiên, trong 2 năm gần đây mới mở rộng và tăng mạnh về cả số lượng dự án và dòng vốn.
Thị trường bất động sản Hà Nội đang trở nên hấp dẫn với nhà đầu tư phía Nam. Ảnh minh họa: Vũ Đức Anh
Về mặt lợi ích, sự đầu tư nghịch đảo sẽ giúp toàn thị trường trở thành một khối thống nhất. Thậm chí, để thu hút dòng vốn từ nhà đầu tư phía Nam, các địa phương phía Bắc phải học tập một số ưu điểm của thị trường bất động sản phía Nam. Xu hướng này cũng có chiều ngược lại. Tuy nhiên, vẫn còn một số những bất đồng giữa cách triển khai giữa 2 miền.
"Mặc dù có quy định chung của Nhà nước nhưng thực tế triển khai ở các miền có sự khác nhau. Đây cũng là một hạn chế trong quy định pháp lý giữa Hà Nội và TP.HCM có sự khác nhau một chút. Do đó, khi lựa chọn "đánh bắt xa bờ", nhà đầu tư cần một thời gian để thích nghi với thị trường mới", ông Thanh nói.
Phân tích rõ hơn từng vấn đề, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội cho biết: Thị trường bất động sản Hà Nội đang trở nên hấp dẫn với nhà đầu tư phía Nam. Thứ nhất, pháp lý tại Hà Nội đang khiến nhà đầu tư yên tâm khi rót vốn vào đây.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư TP.HCM và nước ngoài mong muốn mang lại một làn gió mới, xu hướng phát triển mới cho thị trường Hà Nội, tạo sự cạnh tranh trực tiếp với các chủ đầu tư Hà Nội. Các chủ đầu tư này đều có nhiều kinh nghiệm về phát triển bất động sản.
Những năm gần đây, dù các chủ đầu tư Hà Nội đã bắt đầu chú trọng đến việc phát triển điều kiện hạ tầng, tiện ích, dịch vụ và cải thiện quy trình bàn giao nhưng trong con mắt của các nhà đầu tư TP.HCM, nhìn chung chất lượng các dự án ở Hà Nội vẫn đi sau thị trường phía Nam.
Tuy nhiên, theo bà Hằng, thành công của các chủ đầu tư TP. HCM tại thị trường Hà Nội vẫn còn là một câu hỏi lớn. Tâm lý khách hàng là một trong những thách thức lớn, vì họ có thể chưa hiểu tường tận về nhu cầu và thị trường bất động sản Hà Nội, cụ thể là về giá.
Tại TP.HCM, những dự án tại trung tâm thành phố có thể có giá bán lên đến trên 10.000 USD/m2. Tuy nhiên, ở Hà Nội, những dự án như vậy rất ít và rất khó bán.
Do đó, mặc dù có nhiều kinh nghiệm trong phát triển bất động sản nhà ở, nhưng thấu hiểu thị trường Hà Nội để đạt được thành công là một thử thách với các chủ đầu tư TP.HCM.
Báo xây dựng