Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn phục hồi khá chậm, mặc dù có nguồn cầu nội địa nhưng vẫn chưa được xem là đủ ổn định để có thể tác động rõ rệt đến hoạt động của khách sạn và khu nghỉ dưỡng.
Cuối năm là thời điểm thị trường địa ốc trở nên nhộn nhịp, nhu cầu đầu tư hay an cư cao. Tuy nhiên, trong khi đất nền, nhà ở hay một số phân khúc bắt đầu sôi động sau đại dịch thì bất động sản nghỉ dưỡng vẫn được đánh giá phục hồi khá chậm và còn nhiều khó khăn.
Chuyên gia đánh giá thị trường phục hồi khá chậm, mặc dù có nguồn cầu nội địa tuy nhiên vẫn chưa được xem là đủ ổn định để có thể tác động rõ rệt đến hoạt động của khách sạn và khu nghỉ dưỡng. Ảnh: Vietnamnet
Theo số liệu của Savills, trong 11 tháng đầu năm, tình hình hoạt động của các khách sạn tại Việt Nam sụt giảm nhiều so với khu vực, doanh thu phòng giảm hơn 2/3 so với năm trước.
Công suất thuê phòng và mức giá phòng trung bình ngày (chỉ số ADR) trong tháng 10 của cả nước đã giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái, và so với đầu năm, chỉ số này đã giảm gần 40%.
Tại TP.HCM, kể từ đợt giãn cách xã hội vào tháng 4 năm 2020, công suất phòng hiện vẫn đang nằm dưới mức 20% và thấp hơn hầu hết các thành phố khác tại khu vực châu Á; giảm mạnh so với công suất 72% đạt được vào năm 2019.
Trong khi đó hai tháng vừa qua, Hà Nội ghi nhận công suất thuê phòng gần 35% nhờ vào các doanh nghiệp địa phương đang dần phục hồi các hoạt động kinh doanh, nhu cầu lưu trú dài hạn tăng lên cũng như các cơ sở lưu trú đăng ký cung cấp dịch vụ cách ly.
Dù kết quả hoạt động kinh doanh sụt giảm song trong tháng 10 vừa qua, Hà Nội và TP.HCM đã ghi nhận mức công suất phòng cao nhất kể từ đợt giãn cách xã hội vào tháng 4 năm 2020.
Theo chuyên gia Savills, việc phát triển vaccine và những kết quả đáng ghi nhận trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đã củng cố niềm tin cho Việt Nam trong quá trình hồi phục thị trường du lịch nghỉ dưỡng.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho biết, các điểm đến ven biển ghi nhận dấu hiệu phục hồi từ tháng 5 với lượng khách tốt và lượng đặt phòng tăng, tuy nhiên việc tái bùng phát dịch ở Đà Nẵng đã ảnh hưởng nặng nề đến mùa du lịch cao điểm của khu vực này.
Trong khi đó, các khách sạn thành phố ghi nhận sự hồi phục của mảng kinh doanh MICE và hội nghị trong vài tháng qua, giúp nhiều khách sạn cải thiện về mặt doanh thu.
Một số khách sạn đưa ra mức giá dịch vụ thấp hơn so với thông thường nhằm gia tăng sức hút với nhóm khách du lịch có ngân sách thấp hơn, dẫn đến việc giá phòng trung bình có xu hướng giảm.
Ngoài ra, các khách sạn cũng đã tích cực đưa ra các chương trình kích cầu du lịch mới như du lịch tại chỗ (staycation), tuy nhiên chương trình này chỉ thực sự hiệu quả ở một nhóm nhỏ khách sạn.
"Sau khi dịch được kiểm soát, thị trường ghi nhận nhu cầu đặt phòng đã dần hồi phục trong 3 tháng qua, tuy nhiên, Đà Nẵng vẫn đang nỗ lực để đạt được mức công suất 20%. Nha Trang và Phú Quốc ghi nhận công suất phòng cao hơn, đặc biệt là vào cuối tuần nhờ các gói ưu đãi kích cầu du lịch", ông Mauro Gasparotti cho biết.
Tuy nhiên theo ông Mauro Gasparotti, toàn thị trường nghỉ dưỡng nói chung sẽ khó vượt qua ngưỡng công suất 25%, ngoại trừ một số khu nghỉ dưỡng nằm ở các điểm đến lân cận các thành phố lớn có thể đạt cao hơn mức trung bình thị trường từ 10 đến 15 điểm phần trăm.
Ông Mauro cho biết, thị trường phục hồi khá chậm, mặc dù có nguồn cầu nội địa tuy nhiên vẫn chưa được xem là đủ ổn định để có thể tác động rõ rệt đến hoạt động của khách sạn và khu nghỉ dưỡng, vì hiện nguồn cầu chỉ thực sự tăng vào cuối tuần trong khi nhu cầu vào các ngày trong tuần vẫn còn khá thấp.
"Hầu hết các khách sạn đều tập trung cắt giảm chi phí để có thể đạt được điểm hòa vốn hoạt động, chỉ một số rất ít có thể kỳ vọng đạt kết quả khả quan cho năm 2020. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn kỳ vọng tình hình năm 2021 có khả năng phục hồi và chủ yếu tập trung vào quý 3", ông Mauro nhận định.
Báo xây dựng