Một đại diện tập đoàn chuyên đầu tư dự án trên địa bàn Hà Nội cho biết, dù có nhiều cố gắng phát triển mảng chung cư nhưng 2 năm nay doanh nghiệp phải "nằm im".
"Vấn đề khó nhất là thủ tục, 2 năm vừa qua lãnh đạo thành phố liên tục thay đổi, rất khó để triển khai dự án mạch lạc từ đầu đến cuối. Do nhiều rủi ro nên doanh nghiệp buộc phải tạm dừng để nghe ngóng", đại diện tập đoàn cho hay.
Một đại diện doanh nghiệp khác chia sẻ, khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp khi triển khai dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội là nguồn vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP hỗ trợ lãi suất 2% giai đoạn 2022-2023 với tổng số tiền lãi suất hỗ trợ là 40.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.
Tuy là tín hiệu tốt nhưng Nghị định yêu cầu nhiều điều kiện mà các doanh nghiệp khó đáp ứng như: Không có nợ xấu, phải có doanh thu, có tài sản bảo đảm…
Ngoài ra, dự án phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đã được giao đất, cho thuê đất và đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, đã được cấp phép xây dựng... Dự án phải thuộc danh mục do Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố, thì chủ đầu tư mới được cho vay.
Chuyên gia tài chính TS. Cấn Văn Lực nhận định, quan hệ cung - cầu trên thị trường có sự "lệch pha" từ nhiều năm qua.
Nhìn chung nguồn cung còn hạn chế và cần thời gian để tăng, trong khi nhu cầu dự báo đã và sẽ sớm tăng trở lại, nhất là phân khúc bất động sản nhà ở, khu công nghiệp.
Vị chuyên gia này cho rằng, chính sự "lệch pha" này đã góp phần đẩy giá bất động sản lên cao thời gian qua và trong trung hạn, khiến người dân, người có nhu cầu thực khó mua được nhà ở với mức giá hợp lý.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định: Tại Hà Nội hiện chỉ có vài dự án chung cư đang hoạt động, phần lớn đang nằm chờ.
Việc này dẫn đến sự mất cân đối thị trường, không còn phong phú nguồn hàng. Chủ yếu dự án nằm ở nhóm đắt tiền, không có nhà ở bình dân, nhà ở xã hội thiếu hụt nghiêm trọng.
Theo ông Đính, hệ lụy của việc lệch lạc, méo mó thị trường này là tạo nên sự khan hiếm, khiến giá cả thị trường tăng, đôi khi là tăng "ảo".
Thị trường "méo mó" không đúng bản chất của thị trường thông thường, sản xuất ra phải phù hợp với đại bộ phận dân chúng.
Chủ đầu tư xin dự án, thực hiện các thủ tục mất 5-10 năm mới xong ra hàng.
Thời gian này họ đối mặt với nhiều rủi ro như tín dụng ngân hàng, thay đổi chính sách, biến động giá cả nên đa số nhà đầu tư không chấp nhận mạo hiểm.
Song song với đó, việc cho vay mua nhà đang bị các ngân hàng đưa vào diện hạn chế để siết lại. Theo thống kê, trong quý III/2022, thị trường bất động sản đang chững lại, giao dịch rất ảm đạm.
Nếu thị trường như hiện nay thì đại bộ phận người lao động, công chức, viên chức khó có thể tiếp cận.
Theo Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nguyên nhân của việc này là do các chủ đầu tư gặp vướng khi xin dự án, phê duyệt dự án.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.