Do có nhu cầu lớn về nhà ở xã hội, nên Bình Dương đã có chủ trương xây dựng đề án “phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, làm cơ sở định hướng, chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện công tác phát triển nhà ở này.
Mục tiêu của Đề án là phát triển nhà ở xã hội phù hợp khả năng chi trả của công nhân, người lao động, người thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn.
Có chính sách thông thoáng để tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng khó khăn tiếp cân nguồn vốn vay, tiếp cận nguồn cung nhà ở.
Sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp kéo theo sự tập trung cư dân đông đúc từ khắp mọi miền của đất nước chuyển về sinh sống và làm việc tại Bình Dương ngày càng tăng (số lượng người dân nhập cư vào Bình Dương chiếm hơn nửa dân số toàn tỉnh).
Chính vì vậy, trong giai đoạn 2011-2015, có 23 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hoàn thành và đưa vào sử dụng với 9.618 căn, đáp ứng nhu cầu cho 37.500 người.
Giai đoạn 2016-2020 và năm 2021, có 17 dự án và 01 Đề án nhà ở xã hội (đề án nhà ở xã hội của Becamex IDC), nhà ở công nhân đã được đầu tư với diện tích đất khoảng 132ha, với 33.246 căn, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 101.077 người.
Ngoài ra, có hàng trăm doanh nghiệp cũng đã đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động với tổng diện tích sàn là 269.982m2, đáp ứng cho khoảng 46.974 người.
Chưa kể trên 600.000 phòng trọ do dân tự xây, đáp ứng chỗ ở cho gần 544.000 người là đối tượng công nhân lao động, sinh viên và người thu nhập thấp ở thuê.
Tuy nhiên, so với nhu cầu về nhà ở của công nhân, người có thu nhập thấp đang sinh sống, học tập, lao động trên địa bàn tỉnh, thì kết quả đạt được, chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu của người dân.
Bởi địa phương chưa thực hiện hết các chính sách ưu đãi nên khó thu hút nhà đầu tư vào thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Chưa có cơ chế hỗ trợ về nguồn vốn dành cho chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội; Việc bán nhà ở xã hội chưa phù hợp với điều kiện thực tế do vướng mắc về mức thu nhập, nhiều đối tượng phải đóng thuế thu nhập cá nhân nên không đủ điều kiện thuê mua nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội hiện nay chưa tạo được sự khác biệt lớn giữa nhà ở xã hội với đất nền thương mại tại địa phương, chưa hình thành tài sản cho người mua nhà.
Các doanh nghiệp, tổ chức không mặn mà đầu tư nhà ở xã hội do nhiều thủ tục, nội dung phức tạp, lợi nhuận không cao…
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.