Khu Đông TPHCM đang có nhiều sản phẩm bất động sản được tung ra trong thời gian qua và tạo nên cơn sốt. Ngược lại, ở khu Nam, nhà đầu tư đang chật vật tìm lối thoát cho nguồn hàng của mình.
Bất động sản khu Đông TPHCM đang có gam màu sôi động khi xuất hiện rất nhiều ông lớn của ngành địa ốc đang tập trung ở đây. Nhiều sản phẩm được tung ra thị trường, bên cạnh đó thị trường Đồng Nai, Bình Dương cũng góp phần cho khu vực này trở nên “nóng bỏng” và kéo nhà đầu tư.
Ở chiều ngược lại, bất động sản khu Nam Sài Gòn đang cho thấy một không khí “trầm lắng”. Nhiều nhà đầu tư vẫn tiến hành các hoạt động mua bán nhưng chỉ diễn ra lẻ tẻ.
Theo tìm hiểu, tại khu vực xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), vào năm 2018-2019, thị trường khu vực này vô cùng sôi động. Việc buôn bán sang tay diễn ra nhanh chóng, nhiều nhà đầu tư “trúng đậm”.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, với việc chính quyền siết chặt phân lô, tách thửa, nhiều nhà đầu tư đã đi tìm vùng đất mới khiến cho hoạt động mua bán ở đây... đứng hình. Nhiều nhà đầu tư tìm cách ra hàng nhưng đành bất lực khi không còn nhận được nhiều sự chú ý của người mua.
Anh Thanh Phương (40 tuổi) một nhà đầu tư ở xã Vĩnh Lộc B cho hay, việc kiếm được người mua lúc này thật sự khó. Bởi vì đất ở khu vực đa phần là đất nông nghiệp, việc giao dịch cũng chỉ là giấy tay. Trong khi đó chính quyền đang kiểm soát chặt việc tách thửa, phân lô nên dẫn đến người mua không mấy mặn mà.
"Trước kia, người mua xong thì vài tuần sau đã có người khác mua lại và được hưởng chênh lệch vài chục đến cả trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, người mua lúc trước mua xong có thể xây nhà chui được để ở, nhưng thời điểm hiện nay là không thể…”, anh Phương nói.
|
Nhiều nhà đầu tư ôm đất khu Nam Sài Gòn đang gặp khó khăn khi tìm kiếm khách hàng. |
Theo anh Phương, nhiều nhà đầu tư đã “ôm hàng” từ 5 – 10 nền, vì vậy hiện nay đang kiếm nguồn khách hàng để đẩy đi, tạo được nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều khu đất đã giảm giá, không ít nhà đầu tư chỉ muốn lấy lại vốn lúc đầu.
Tương tự, tại khu vực huyện Nhà Bè (TPHCM), nhiều băng rồn, tờ rơi bán đất khắp nơi, thế nhưng hoạt động mua bán diễn ra không mấy ồn ào.
Anh Văn Tuấn, chủ một công ty chuyên làm thủ tục và môi giới nhà đất cho biết, liên tiếp tháng 9 và 10 không có giao dịch nào thành công bên lĩnh vực nhà đất ở khu vực huyện Nhà Bè.
Cũng theo anh Tuấn, khách hàng quan tâm tới bất động sản vẫn có. Tuy nhiên, nhiều khách hàng không còn mạo hiểm và chấp nhận rủi ro như trước. Người mua muốn đất phải đảm bảo đủ điều kiện pháp lý và được xây dựng.
“Thời điểm này những căn nhà “nát” lại có khi bán được hơn đất nền thuộc diện đất nông nghiệp. Ngày trước, trong vòng 1 tháng chúng tôi đã thực hiện được rất nhiều giao dịch sang tên, chuyển nhượng nhà cửa. Nhưng ở thời điểm hiện tại, hoạt động này giảm hẳn và tìm kiếm khách hàng cũng rất khó”.
Tại khu vực huyện Bến Lức (Long An), hoạt động mua bán vẫn đang diễn ra một cách lẻ tẻ. Tuy nhiên, với việc có nhiều xí nghiệp, khu công nghiệp nên nhu cầu của công nhân về nhà giá rẻ vẫn rất lớn.
Qua tìm hiểu, những căn nhà có diện tích nhỏ và ở mức giá từ 500 – 700 triệu đồng vẫn nhận được sự thu hút chủ yếu đến từ công nhân và dân lao động có thu nhập thấp. Tuy nhiên, điểm chung của những căn nhà có diện tích nhỏ điều thuộc dạng sổ chung hoặc vi bằng.
Bà Thuỳ Linh, Giám đốc Công ty BĐS L.R cho hay, phân khúc nhà giá rẻ cho công nhân và người lao động vẫn là một miếng bánh “béo bở”. Nhiều doanh nghiệp chỉ cần tập trung phát triển theo phân khúc này sẽ thu hút được người mua. Bên cạnh đó, các hoạt động chính sách của tỉnh Long An cũng khác TPHCM nên việc ra hàng cũng tương đối tốt hơn ở khu Nam Sài Gòn.
“Thực tế giao dịch bất động sản ở khu Nam đang gặp nhiều khó khăn khi khó tìm được người mua trong giai đoạn này. Nhiều người vốn mạnh thì chấp nhận giữ đó chờ thời, nhưng đối với người vốn yếu thì rất khó ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, giá bất động sản đã lên khá cao nên nhiều nhà đầu tư cũng thận trọng hơn khi xuống tiền…”, bà Linh cho hay.
Nguôn: https://baoxaydung.com.vn/tram-lang-bat-dong-san-khu-nam-sai-gon-nha-dau-tu-chat-vat-tim-khach-292144.html