Theo thống kê tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, hàng chục dự án ôm đất rồi bỏ hoang cả chục năm không triển khai gây lãng phí tài nguyên đất.
Trong đó có không ít các dự án treo từ thập niên này sang thập niên khác ngay tại các địa bàn, trục đường trung tâm được xem là “đất vàng”.
Riêng tại Hà Nội, kết quả giám sát của HĐND Thành phố Hà Nội cho biết: Trên địa bàn thành phố có 379 dự án chậm triển khai và đã đề xuất xử lý, trong đó 30 dự án được kiến nghị thu hồi. Đến nay, đã thu hồi 10 dự án;
35 dự án gia hạn tiến độ theo Luật Đất đai; 77 dự án đã được chủ đầu tư tích cực khắc phục, đưa đất vào sử dụng; 63 dự án chậm GPMB; các dự án còn lại vướng một số nội dung, các chủ đầu tư đang tập trung hoàn tất thủ tục.
Theo các chuyên gia, tình trạng dự án bỏ hoang đất là phổ biến, gần như ở tất cả các địa phương. Có tình trạng ôm dự án, tích trữ đất để đấy rồi chờ giá đất lên, khi mà có quy hoạch, khi phát triển đô thị, hạ tầng, giá đất lên cao, chênh lệch giá đất…, dẫn đến Nhà nước thiệt hại rất nhiều.
Mỗi dự án đều được sự quản lý theo nhiều quy định của pháp luật như Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đất đai…
Luật Đầu tư quy định, nếu dự án đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư hay chủ trương đầu tư nhưng nhà đầu tư làm chậm và đã được gia hạn hoặc điều chỉnh nhưng vẫn không thực hiện thì buộc phải ngừng, hoặc chấm dứt dự án. Sau một thời gian để khắc phục nếu không thực hiện thì thu hồi.
Trong khi đó, theo Điều 64 Luật Đất đai năm 2013, tại Khoản 1 Điểm i quy định chậm tiến độ sử dụng đất, cũng tương tự được gia hạn và nộp thêm tiền sử dụng đất trong 24 tháng đó.
Nếu 24 tháng tiếp tục chậm thì sẽ thu hồi đất và không bồi thường về đất. Ví dụ giao đất 50 năm nhưng sau 5 năm không triển khai, không đưa đất vào sử dụng và đã cho gia hạn nhưng không thực hiện thì sẽ thu hồi. Quy định Luật Đất đai năm 2013 đã rất rõ ràng nhưng thực tế xử lý các dự án treo còn rất chậm…- Ths Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia Pháp lý Bất động sản cho biết.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.