• Vướng mắc lớn nhất vẫn là cơ chế, chính sách về xây dựng nhà ở xã hội

Vướng mắc lớn nhất vẫn là cơ chế, chính sách về xây dựng nhà ở xã hội

Ngày cập nhật: 20/7/2023 » Thị trường nhà đất

Trong thời gian qua, các địa phương trên cả nước đã tích cực triển khai Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số vướng mắc khiến các dự án chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Đề cập đến việc triển khai Đề án, Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Quân cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho thành phố hoàn thành 69.700 căn nhà ở xã hội vào năm 2030, trong đó giai đoạn 2021 – 2025 có 26.200 căn.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND thành phố rà soát trên địa bàn có 86 khu đất đang thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp…

Trong khi đó, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch từ nay đến năm 2025 hoàn thành 40 dự án nhà ở xã hội.

Trong đó có 18 dự án hoàn thành trước năm 2025 với khoảng 25.000 căn hộ. Hà Nội cũng đã xác định 5 khu nhà ở xã hội tập trung với tổng diện tích đất khoảng 300ha.

Hiện nay, UBND Thành phố Hà Nội đã giao Sở Xây dựng làm cơ quan đề xuất chủ trương đầu tư 5 dự án nhà ở này.

Tương tự, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ cho biết: Thành phố Hải Phòng đã khởi công 6 dự án nhà ở xã hội với tổng mức đầu tư 12.336 tỷ đồng, diện tích 66,36ha, quy mô trên 9.500 căn hộ.

Hiện nay, thành phố cũng đang triển khai thực hiện thủ tục đầu tư, đấu thầu một số dự án khác nhằm từng bước hiện thực hóa Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.

Thành phố Hải Phòng đã ban hành kế hoạch đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; tập trung nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản; rà soát, công bố các dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay vốn theo gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng…

Để tiếp tục thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng có hướng dẫn, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn của các dự án bất động sản.

Trong đó, những giải pháp quan trọng là rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng đất; hoàn thiện chính sách về thuế phù hợp với tình hình kinh doanh bất động sản;

Bên cạnh đó cần ban hành quy định, chính sách về thế chấp, giao dịch bất động sản; quy định chặt chẽ về xác định nguồn vốn chủ sở hữu và vốn pháp định đối với chủ đầu tư các dự án…

Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách để thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội.

Trong đó, Nhà nước sẽ không đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các dự án nhà ở xã hội tập trung để giảm giá thành, đồng thời xem xét chỉnh sửa tỷ lệ lợi nhuận định mức để khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện các dự án.

UBND thành phố Hải Phòng cũng kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng bất động sản để thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội.

Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.