• Bộ Tài chính cho rằng nhà ở giá 500 triệu đồng phải nộp thuế

Bộ Tài chính cho rằng nhà ở giá 500 triệu đồng phải nộp thuế

Ngày cập nhật: 10/9/2009 » Thủ Tục Nhà Đất

Sau 3 tháng trưng cầu ý kiến, Bộ Tài chính đã hạ ngưỡng nhà ở chịu thuế từ 600 triệu đồng xuống 500 triệu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nhà ở không có mục đích kinh doanh cũng phải chịu thuế là không công bằng.

Theo dự thảo Luật Thuế nhà đất do Bộ Tài chính công bố trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 9/9, nhà ở giá trị 500 triệu đồng trở lên sẽ phải nộp thuế 0,03%. Đối với đất ở một hộ, một tầng, dự thảo quy định diện tích đất trong định mức phải nộp thuế suất 0,03%, vượt không quá 3 lần chịu thuế 0,06%, trên 3 lần phải đóng 0,09%.

Theo Bộ Tài chính, giá khởi điểm tính thuế nhà 500 triệu đồng được xây dựng dựa trên cơ sở lấy định mức 30 m2 mỗi người và bình quân mỗi hộ gia đình có bốn người. Với diện tích mỗi gia đình khoảng 120 m2, trong đó 1 m2 giá 4 triệu đồng, Bộ Tài chính nhận định, ngưỡng khởi điểm tính thuế ở mức 500 triệu đồng là hợp lý.

Ảnh: Hoàng Hà
Nhà không có mục đích kinh doanh cần được miễn thuế. Ảnh: Hoàng Hà.

Tại buổi họp, nhiều đại biểu cho rằng, chưa nên đánh thuế nhà ở. Bởi hiện nay kinh tế khó khăn, nhiều người dân bị giải tỏa không đủ tiền mua đất. Ngoài ra, thực tế khi mua bán giao dịch nhà đất, người dân đã phải nộp thuế chuyển nhượng. Nhà ở không có mục đích kinh doanh cũng phải chịu thuế là không công bằng.

Chủ tịch hội đồng Dân tộc K’Sor Phước nhận định, đối với nhà để ở không nên tính thuế. "Đất sản xuất kinh doanh thì phải chịu thuế nhưng nhà không có giá trị sinh lời thì nên được miễn thuế", ông Phước nói. Cũng theo ông Phước cần đưa ra mức thuế suất theo từng vùng bằng cách phân cấp mạnh cho địa phương. Theo đó, mỗi địa phương sẽ áp dụng giá tính thuế phù hợp. Khu vực đất có giá trị cao phải tinh thuế nặng, đất có giá trị thấp sẽ được miễn thuế.

Theo dự thảo luật, đất ở nhà nhiều tầng, nhiều hộ ở, nhà chung cư, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp sẽ chịu một mức thuế suất là 0,03%. Ông Phước lo ngại, mức thuế suất này sẽ không công bằng đối với nhiều người. Theo ông Phước, người ở càng trên tầng cao càng phải chịu thuế suất thấp. Vị đại biểu này phân tích, chủ đầu tư và người dân thường nảy sinh mâu thuẫn tranh chấp quyền sở hữu tầng hầm và tầng 1."Tầng hầm nếu thuộc sở hữu của chủ đầu tư có được cấp sổ đỏ không? Diện tích tầng hầm, tầng 1 thường để kinh doanh phải chịu mức thuế cao hơn các tầng trên", ông Phước đề xuất.

Đồng tình với quan điểm trên, Ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng cho rằng, chưa nên thu thuế nhà. Bởi đánh thuế đối với nhà ở không sinh lời và chỉ có mục đích để ở sẽ gây bất bình đẳng xã hội. "Người dân tự xây nhà và họ có quyền sử dụng. Giới đầu cơ chủ yếu tập trung vào đất. Đánh thuế nhà sẽ khiến nhiều người dân phải lao đao", ông Hiền nhận định. Cũng theo ông Hiền, trong trường hợp buộc phải thu thuế, Bộ Tài chính nên đưa ra ngưỡng nhà có giá 700 triệu đồng để giảm gánh nặng cho người dân.

Bác bỏ quan điểm trên, Bộ Tài chính khẳng định, việc đánh thuế nhà là cần thiết vì trên thực tế vẫn có nhiều trường hợp giới đầu cơ "tấn công" nhà đất, đặc biệt là nhà chung cư.

Cũng có ý kiến cho rằng, mức thuế suất được quy định trong dự thảo luật là chưa đủ mạnh để góp phần hạn chế đầu cơ đất đai, khuyến khích thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách kiến nghị, không nên nộp thuế nhà bởi hiện nay người dân đang phải nộp nhiều thứ thuế và việc kiểm soát, chất lượng giá trị nhà còn khó khăn. Riêng về thuế đất, theo ông Hiển cần tăng mức thuế suất thứ ba lên cao hơn 0,09% nhằm khuyến khích người dân sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả và chống đầu cơ.

Một số đại biểu lo ngại, luật khó đi vào thực tiễn bởi tính thuế nhà theo giá trị sẽ không ổn định dễ nảy sinh tiêu cực. Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đề xuất nên tính thuế theo diện tích. Dự thảo luật quy định đối với nhà, đất có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên phải nộp thuế nhưng lại chưa xác định cơ quan nào thực hiện chức năng thẩm định giá trị nhà. "Nếu tính thuế dựa vào giá trị nhà sẽ khiến nhiều người rơi vào trường hợp năm nay không phải nộp thuế nhưng năm sau lại phải nộp khi đơn giá nhà thay đổi", ông Nam lo ngại.

Đây là lần đầu tiên, dự thảo Luật nhà đất đưa ra bàn bạc tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự thảo luật sẽ được trình lên Quốc hội xem xét, dự kiến thông qua vào năm 2010 và có hiệu lực 1/1/2011.

Đất ở: Áp dụng thuế suất theo biểu thuế lũy tiến từng phần: