• Hà Nội: 25.601 hồ sơ mua nhà thuộc SHNN chờ hướng dẫn

Hà Nội: 25.601 hồ sơ mua nhà thuộc SHNN chờ hướng dẫn

Ngày cập nhật: 19/12/2013 » Thủ Tục Nhà Đất

Hiện, thành phố Hà Nội có hơn 25.000 hồ sơ đang chờ đợi để được hướng dẫn về việc mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước (SHNN). Nghị định mới về quản lý và sử dụng nhà ở thuộc SHNN bắt đầu có hiệu lực.

Việc mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước trước nay vốn có nhiều thủ tụcvà công đoạn. Khi Nghị định mới thay thế Nghị định cũ về việc mua nhà ở thuộc SHNN thì người dân lại phải chờ đợi các thủ tục, hướng dấn mới. Theo đó, quy trình bán nhà, giá mua nhà thuộc sở hữu nhà nước có nhiều thay đổi so với văn bản cũ. Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh là tình trạng quy định chờ văn bản hướng dẫn đã khiến 25.601 hồ sơ xin mua nhà được "chốt" trước thời điểm ngày 6-6 cũng phải tạm dừng theo.

Ông Nguyễn Anh T ở phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm cho biết, ông nộp hồ sơ xin mua lại căn nhà đang thuê của Nhà nước theo NĐ 61/CP từ trước thời điểm ngày 6/6/2013. Song, từ đó đến nay, hồ sơ xin mua nhà của ông vẫn tạm dừng, chờ quyết định của thành phố theo tinh thần của NĐ 34/2013/NĐ-CP. Đã được giải thích rõ ràng, nhưng tâm lý những người nộp hồ sơ mua nhà như ông T vẫn rất lo lắng không biết đến bao giờ mới được giải quyết mua, sở hữu căn nhà mà mình đang sử dụng lâu nay.

Thực tế, trường hợp phải chờ đợi hướng dẫn thực hiện quy định mới như ông T không ít. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến hết ngày 5/6/2013, có 25.601 hồ sơ xin mua nhà được "chốt" trước thời điểm quy định mới có hiệu lực. Số này được giải quyết mua theo chế độ giá của quy định cũ, nhưng vẫn phải dừng chờ quy trình mới được ban hành. Trong số đó, Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội tiếp nhận 9.911 hồ sơ. Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng tiếp nhận 4.743 hồ sơ. Số còn lại do UBND các quận, huyện, thị xã tiếp nhận. Nhiều nhất là quận Hoàng Mai, tiếp nhận 2.250 hồ sơ xin mua; tiếp đến quận Hai Bà Trưng 1.625 hồ sơ; huyện Gia Lâm 1.616 hồ sơ; quận Tây Hồ 1.020 hồ sơ, quận Đống Đa 934 hồ sơ… Ít nhất là UBND huyện Thường Tín cũng có 72 hồ sơ, huyện Sóc Sơn là 62 hồ sơ.

Giải thích lý do trên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn cho biết. Mặc dù NĐ 34/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 6/6/2013, nhưng đến 19/9/2013, Bộ Xây dựng mới ban hành Thông tư số 14/2013/TT-BXD hướng dẫn triển khai NĐ 34/CP và Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 5/11/2013. Trước khi NĐ 34/CP có hiệu lực, tháng 5/2013, Sở Xây dựng - cơ quan thường trực Hội đồng bán nhà ở thành phố đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị bán nhà thực hiện chốt hồ sơ tính đến hết ngày 5/6/2013.

Trả lời câu hỏi, bao giờ tiếp tục triển khai bán nhà cho các trường hợp nêu trên, ông Nguyễn Quốc Tuấn cho biết thêm, ngày 29-10, trước khi Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng có hiệu lực thi hành, Sở Xây dựng Hà Nội có văn bản gửi Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng; các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã đề nghị góp ý dự thảo văn bản quyết định của UBND TP Hà Nội, về việc ban hành quy định tiếp nhận nhà ở tự quản, bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn; đồng thời đề nghị các sở, ngành cử cán bộ tham gia Hội đồng xác định giá bán nhà thành phố. Tuy nhiên, trong khi chờ ban hành quy định, để kịp thời triển khai việc bán nhà, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề nghị và được UBND thành phố đồng ý, giao cho Sở hướng dẫn thực hiện theo hướng kiểm tra, phân loại hồ sơ đã tiếp nhận tại các đơn vị, nếu hồ sơ mua nhà đủ điều kiện được bán theo quy định của NĐ 34/CP thì Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng tổng hợp, báo cáo Sở, thực hiện bán theo quy định tại khoản 4, Điều 39 NĐ 34/CP và khoản 1, Điều 41 Thông tư 14. Quy trình thủ tục, hồ sơ thực hiện theo các văn bản thực hiện NĐ 61/CP của Chính phủ và các văn bản liên quan. Trường hợp không đủ điều kiện phải chờ thực hiện theo quyết định của thành phố. Hiện, việc rà soát đang được tiến hành. Như vậy, sẽ có số lượng đáng kể hồ sơ tiếp tục được giải quyết mà không phải đợi văn bản hướng dẫn ban hành.

Câu chuyện quy định chờ văn bản hướng dẫn không hiếm, hầu như bộ luật và các quy định tiếp sau đó mới ra đời đều vướng phải vấn đề này. Điều đó đặt ra câu hỏi, tại sao không soạn luôn văn bản hướng dẫn dưới luật cùng với việc soạn thảo luật, vì dự thảo luật hay văn bản hướng dẫn thi hành đều do các bộ, ngành soạn thảo. Hoặc cụ thể hóa quy định ngay trong luật, nghị định để giảm bớt văn bản hướng dẫn, tránh gây phiền hà cho người dân, thậm chí chồng chéo, nhiều cách hiểu khác nhau giữa các văn bản, khi thi hành. Nghị định mới đưa ra tất yếu cải thiện những thiếu sót ở Nghị định cũ. Tuy vậy, vẫn còn nhiều kẽ hở và nhiều vấn đề vẫn còn nan giải gây khó cho nhân dân.