Nhiều nước đã hình thành một tiêu chí hợp lý về mức đánh thuế liên quan tới đất đai trong khi Việt Nam vẫn duy trì công cụ tài chính đất đai mang nặng tư duy bao cấp.
Đáng tiếc là việc sửa đổi các luật thuế đối với đất đai
lại không được xem xét đồng bộ với quá trình sửa đổi Luật đất đai. Một
nửa công cụ tài chính đất đai lại bị chậm mất vài nhịp.
Một
trong những điểm rất khác biệt giữa kinh tế bao cấp và kinh tế thị
trường là việc sử dụng công cụ tài chính để quản lý. Sự khác biệt này
bắt nguồn từ nguyên lý của hai cơ chế: mệnh lệnh hành chính là công cụ
quản lý chủ yếu trong quản lý kinh tế bao cấp; điều chỉnh giá trị thị
trường và động viên đồng thuận xã hội là công cụ quản lý chủ yếu trong
kinh tế thị trường.
Sự khác biệt như vậy tạo nên
những chướng ngại lớn phải vượt qua trong quá trình chuyển đổi mô hình
kinh tế từ bao cấp sang thị trường.
Thuế và những cách dùng khác biệt
Công
cụ tài chính bao gồm hai phần: một là giá và định giá, hai là thuế.
Trong kinh tế bao cấp, giá là do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết
định, còn thuế chỉ có chức năng tạo nguồn thu cho Nhà nước. Ngược lại,
trong kinh tế thị trường, giá là do quan hệ cung - cầu quyết định, còn
thuế được sử dụng như một công cụ đa năng với nhiều mục đích khác nhau.
Ngoài
việc tạo nguồn thu cho Nhà nước, thuế được sử dụng để điều chỉnh giá
thị trường, để chống đầu cơ, để khuyến khích đầu tư, để tạo công bằng xã
hội, để thực hiện quy hoạch, để phân bố dân cư...
Sự
khác biệt nói trên rất dễ nhìn thấy trong quản lý đất đai và thị trường
quyền sử dụng đất. Trong mô hình kinh tế bao cấp: giá đất bằng “0”, còn
trong mô hình kinh tế thị trường: giá đất do quan hệ cung - cầu của thị
trường quyết định. Sự khác biệt cũng tương tự trong cách tiếp cận đối
với thuế về đất đai. Trong mô hình kinh tế bao cấp: thuế sử dụng đất
thấp nhưng thuế chuyển quyền sử dụng đất lại cao; còn trong mô hình kinh
tế thị trường: thuế sử dụng đất cao nhưng thuế chuyển quyền sử dụng đất
lại thấp.
Trên thế giới, cả giá đất và thuế đất
đã được nghiên cứu khá kỹ lưỡng song hành với nghiên cứu các chính sách
đất đai. Giá đất do Nhà nước quy định và quyết định phải phù hợp với giá
trung bình trên thị trường được coi là một tiêu chí mang tính nguyên
tắc. Chỉ có điều là người ta có cách để giá thị trường thực được công
khai trên các hợp đồng chuyển nhượng, và đó là căn cứ để tính toán chỉ
số giá thị trường.
Đối với thuế đất, trên thế giới
ở nhiều nước đã hình thành một tiêu chí hợp lý về mức đánh thuế liên
quan tới đất đai bao gồm: (1) thuế sử dụng đất từ 1-1,5% giá trị thị
trường của đất đai; (2) tổng chi phí cho một lần chuyển quyền gồm cả
thuế không vượt quá 1% giá trị chuyển quyền. Các nước này đều khuyến
khích chuyển nhượng đất đai và tài sản nhằm tạo sức sống cho thị trường
bất động sản nên chi phí chuyển quyền rất thấp.
Ngược
lại, sử dụng đất phi nông nghiệp, nhất là đất ở, lại phải đánh thuế cao
dựa vào giá trị thị trường của bất động sản với nhiều mục đích khác
nhau. Thứ nhất, giá đất tại những nơi có hạ tầng và dịch vụ công cộng
tốt thường cao hơn nên thuế đánh vào giá trị đất đai và nhà ở là nguồn
chủ yếu để tái phát triển hạ tầng và dịch vụ công cộng.
Nói
cách khác, ai được hưởng sự tiện lợi càng nhiều của hạ tầng và dịch vụ
thì người đó có trách nhiệm trả thuế càng cao. Như vậy vừa tạo được công
bằng, vừa có nguồn thu bền vững để đầu tư phát triển hạ tầng và dịch vụ
công cộng, vừa phân bố lại được dân cư theo thu nhập và vừa chống được
đầu cơ.
Ở nước ta, công cụ tài chính đất đai vẫn
còn mang rất nhiều tư duy bao cấp, chưa chuyển hẳn được sang cơ chế thị
trường. Cả khung giá đất của Chính phủ lẫn bảng giá đất của UBND cấp
tỉnh cũng chỉ bằng 10-70% giá thị trường, tùy từng khu vực. Mức khung
giá trung bình cũng chỉ khoảng 50% giá thị trường.
Mặt
khác, giá trên hợp đồng chuyển nhượng còn thấp hơn cả giá của Nhà nước,
mặc dù ai cũng biết ghi như trên hợp đồng là phải đối mặt với khá nhiều
rủi ro. Thuế đất cũng được đặt theo xu hướng ngược lại.
Thuế
sử dụng đất phi nông nghiệp chỉ là 0,03% giá đất do Nhà nước quy định,
tức trung bình khoảng 0,015% giá đất thị trường. Chi phí chuyển quyền
cũng phải tới 2,8% giá đất do Nhà nước quy định (2% thuế, 0,5% trước bạ,
0,1% công chứng và các loại phí đăng ký, phí đo đạc, phí địa chính
khác), tức trung bình 1,4% giá thị trường.
Xu
hướng đánh thuế đối với đất đai ở ta bị ngược với cách đi trên thế giới.
Chính vì vậy mà Nhà nước phải chi khá nhiều vốn ngân sách, vốn ODA để
phát triển hạ tầng mà vẫn chưa đủ. Dòng người đổ về trung tâm các thành
phố lớn rất đông mà không làm thế nào để phân bố lại dân cư. Trước đây,
đầu cơ đất đai không thể kiểm soát được đã làm thị trường bất động sản
đổ vỡ như hiện nay...
Một điểm rất quan trọng có
liên quan tới tính ổn định của môi trường đầu tư là cách xử lý đối với
các dự án đầu tư không hoặc chậm tiến độ sử dụng đất mà ta vẫn gọi là
“dự án treo”. Tại các tỉnh có nhiều dự án đầu tư, nhất là các thành phố
trực thuộc trung ương, mỗi nơi đều đang có từ vài chục tới hơn một trăm
dự án chậm tiến độ cần phải xử lý. Trong nhiều giai đoạn, các địa phương
đã và đang đẩy mạnh việc thu hồi đất của “dự án treo” với những nỗi cực
nhọc khác nhau.
Tư duy thị trường
Nghị
quyết số 19-NQ/TW ngày 31-10-2012 của Hội nghị T.Ư lần thứ 6, khóa XI
đã đặt ra các vấn đề lớn về “đổi mới chính sách tài chính về đất đai,
nhất là chính sách thuế”, trong đó việc “Nhà nước thực hiện chính sách
thuế lũy tiến đối với các dự án đầu tư chậm hoặc bỏ hoang không đưa đất
vào sử dụng đúng thời hạn theo quy định của pháp luật”.
Thuế
sử dụng đất phi nông nghiệp cũng được đổi mới theo hướng “ban hành thuế
bất động sản (cả đất, nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất);
người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đất bỏ hoang, đất đã
giao, đã cho thuê, nhưng chậm đưa vào sử dụng thì phải chịu mức thuế cao
hơn. Đây là những yêu cầu đổi mới rất quan trọng, rất trúng mục tiêu
trong quá trình chuyển đổi cơ chế kinh tế.
Rất
đáng tiếc, một lần nữa việc sửa đổi các luật thuế đối với đất đai lại
không được xem xét đồng bộ với quá trình sửa đổi Luật đất đai. Một nửa
công cụ tài chính đất đai lại bị chậm mất vài nhịp. Luật đất đai chỉ xem
xét vấn đề giá đất và chế tài xử lý các “dự án treo”. Về giá đất, Luật
đất đai đã tạo được một bước đi về phía trước nhưng vẫn đang chờ đợi các
quy định cụ thể ở tầng nghị định hướng dẫn thi hành.
Về chế tài xử lý các “dự án treo”, Luật đất đai không lựa chọn giải pháp thuế cao mà vẫn đi theo hướng Nhà nước thu hồi đất.
Quy
định cụ thể là “trường hợp không đưa đất vào sử dụng (trong thời hạn 12
tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ
ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa) thì
chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản
tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian
chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia
hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất
mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp
do bất khả kháng”.
Luật đất đai 2003 đã đưa ra
giải pháp thu hồi đất của các “dự án treo” nhưng có trả lại giá trị đã
đầu tư vào đất, trừ những trường hợp do bất khả kháng được UBND cấp tỉnh
cho phép gia hạn. Trên thực tế, nhiều địa phương thu hồi đất rồi nhưng
không có cách gì để trả lại giá trị đã đầu tư, trừ khi tìm được nhà đầu
tư mới thuận tình tiếp tục dự án.
Luật đất đai
2013 đi theo phương án cải tiến giải pháp của Luật đất đai 2003 bằng
cách cho gia hạn thêm 24 tháng rồi mới thu hồi đất, nhưng đã bị thu hồi
thì nhà đầu tư mất tất cả những gì đã đầu tư. Cách thu hồi đất của “dự
án treo” ở dạng này hay dạng khác đều mang tư duy bao cấp.
Một tư duy hoàn toàn thị trường là hãy đánh thuế cao vào tất cả các “dự án treo” như nghị quyết số 19-NQ/TW của Đảng đã đề ra.