Thuế thu nhập cá nhân được đánh giá sẽ làm dịu thị trường bất động sản.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huy Trường - Trưởng ban quản lý thuế TNCN (Tổng cục thuế - Bộ Tài chính).
Luật dân sự quy định, giao dịch
BĐS giữa các cá nhân với nhau theo nguyên tắc khi chuyển nhượng phải có
giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng. Tuy nhiên, trong thực tiễn có rất
nhiều trường hợp chưa được cấp GCN vẫn làm các chuyển nhượng, phổ biến
xảy ra trong các dự án. Vậy nếu áp theo thông tư 161 có phải là trái
luật?
Việc chuyển nhượng BĐS khi chưa có GCN quyền sử dụng là một thực tế
xảy ra phổ biến hiện nay. Có trường hợp chỉ có các giấy viết tay, quyết
định cấp đất hoặc là giấy phân phối nhà…
Đối với đất, nhà trong các dự án, hiện đang xảy ra tình trạng nhiều
cá nhân mới góp tiền để được mua nền nhà, căn hộ hoặc đã ký hợp đồng
mua nhà, nền nhà (trên thực tế nhà, nền nhà vẫn chỉ ở “trên giấy”)
nhưng họ được công ty kinh doanh hạ tầng, chủ đầu tư dự án chấp thuận
và làm các thủ tục chuyển đổi.
Căn cứ vào luật thuế TNCN, cần khẳng định rằng đối tượng thực hiện
hợp đồng chuyển nhượng vốn góp hoặc chuyển nhượng hợp đồng mua nền nhà,
căn hộ có thu nhập thuộc đối tượng nộp thuế TNCN.
Đối với các loại hình cá nhân đã
góp vốn và được quyền mua nền nhà hay căn hộ hoặc cá nhân đã ký hợp
đồng, nộp tiền mua nền nhà, mua căn hộ nhưng chuyển nhượng lại phần góp
vốn và quyền mua BĐS thì áp thuế TNCN như thế nào?
Theo luật kinh doanh BĐS, các hoạt động góp vốn để được mua nền nhà,
mua căn hộ được xem là mua bán BĐS trong tương lai và đối tượng đã có
quyền mua BĐS theo quy định cũng sẽ có quyền được chuyển nhượng BĐS.
Như vậy để đi đến thống nhất, dù là chuyển nhượng vốn hay chuyển
nhượng BĐS nếu có thu nhập (có lãi) sẽ phải thực hiện nộp thuế TNCN cho
dù chưa có được GCN quyền sử dụng tài sản đó. Cụ thể là áp dụng thuế
suất là 25% tính trên thu nhập chịu thuế hoặc áp dụng thuế suất 2% tính
trên giá chuyển nhượng.
Khi nào thì áp thuế suất 25%, khi nào áp thuế suất 2%?
Việc
áp dụng thuế suất 25% trên thu nhập chịu thuế chỉ áp dụng đối với các
trường hợp cá nhân chuyển nhượng BĐS có đầy đủ hồ sơ, chứng từ hợp lệ
làm căn cứ xác định được giá chuyển nhượng, giá vốn và các chi phí có
liên quan đến hoạt động chuyển nhượng.
Ví dụ hợp đồng mua nhà là 1 tỷ đồng. Nếu bán được 1,5 tỷ đồng thì
lấy 1,5 tỷ đồng trừ đi 1 tỷ đồng giá vốn và trừ những chi phí liên quan
đến việc ký kết hợp đồng, còn lại thu nhập thật (hay thu nhập ròng) thì
áp dụng thuế suất 25%.
Trường hợp không xác định được giá vốn và các chi phí liên quan thì áp dụng thuế suất 2% tính trên giá chuyển nhượng.
Vậy trong trường hợp đã mua bán
trao tay nhiều lần thì giữa giá vốn và giá chuyển nhượng sẽ có một
khoảng cách rất xa. Lúc đó sẽ tính thuế như thế nào?
Tổng cục thuế sẽ nghiên cứu thêm và báo cáo Bộ Tài chính có hướng
dẫn cụ thể về vấn đề này vì nếu lấy giá mua trao tay đến người thứ ba,
thứ tư rồi mà trừ đi hợp đồng giá gốc thì sẽ thiệt cho người bán. Trong
những trường hợp đó có thể cân nhắc để áp giá thuế 2%.
Trong thông tư quy định, chỉ trong
những trường hợp mua đi, bán lại và đem lại lợi nhuận thì mới thuộc đối
tượng chịu thuế TNCN. Như vậy, rất có thể xảy ra trường hợp cố tình làm
sai lệch giá bán (thấp hơn giá vốn) để không phải chịu thuế TNCN…?
Về nguyên tắc giá chuyển nhượng được căn cứ vào hợp đồng chuyển
nhượng. Trường hợp giá ghi trên hợp đồng không phù hợp với giá thị
trường thì theo Luật quản lý thuế, cơ quan thuế được quyền ấn định căn
cứ giá đất do UBND tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng và giá trị
nhà và các công trình xây dựng trên đất được xác định căn cứ giá tính
lệ phí trước bạ do UBND tỉnh quy định.
Dư luận lo ngại dễ nảy sinh tiêu cực trong khâu thẩm định giá. Vậy làm thế nào để ngăn chặn được việc này?
Để hạn chế việc thẩm định tuỳ tiện, việc xác định giá chuyển nhượng
được căn cứ vào hợp đồng chuyển nhượng, nếu giá ghi trên hợp đồng
chuyển nhượng không phù hợp sẽ được căn cứ trên giá đất và giá tính lệ
phí trước bạ do UBND tỉnh quy định.
Trong trường hợp người ta không nộp thuế thì sẽ xử lý thế nào?
Theo quy định của Luật quản lý thuế các tổ chức, cá nhân liên quan
có trách nhiệm phối hợp, cung cấp thông tin cho cơ quan thuế để thu
thuế, thậm chí tham gia với cơ quan thuế để cưỡng chế; cơ quan thuế sẽ
phối hợp với các chủ dự án để nắm được những cá nhân đã chuyển nhượng.
Cũng có quan điểm cho rằng nên ràng buộc chủ dự án đối với việc nộp
thuế, nhưng việc này cần nghiên cứu sao cho vừa không gây phiền hà,
không ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức kinh doanh, vừa đề cao được
trách nhiệm của cả cơ quan thuế, của tổ chức kinh doanh và của cả người
nộp thuế.
Xin cám ơn ông!