Để đảm bảo quyền lợi, bạn cần ký hợp đồng đặt cọc mua nhà đất, tuyệt đối không đặt cọc bằng "lời nói".
Hợp đồng đặt cọc mua bán nhà có giá trị pháp lý rất cao, là cơ sở để giải quyết mọi tranh chấp xảy ra trong quá trình mua bán.
Những rủi ro mua bán nhà bạn nên lưu ý trước khi ký vào hợp đồng đặt cọc, như: nhà đất hợp pháp, đủ thủ tục nhưng lại vướng quy hoạch, lộ giới, giải tỏa; nhà đất chưa hoàn chỉnh về thủ tục pháp lý; bên bán không xuất trình được giấy tờ; nhà đất đang thuộc diện tranh chấp…
Không nhầm lẫn giữa tiền đặt cọc và tiền trả trước
Tiền đặt cọc hay tiền trả trước, về bản chất đều là khoản tiền (hoặc tài sản giá trị khác) mà bên mua giao trước cho bên bán, nhằm đảm bảo hợp đồng sẽ được giao kết.
Tuy nhiên, tiền đặt cọc khác ở chỗ là bên mua giao cho bên bán một khoản tiền (hoặc tài sản giá trị khác) trong thời hạn nhất định để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
Trong khi đó, tiền trả trước là việc bên mua tiến hành trả trước một khoản tiền cho bên bán, nói cách khác là thực hiện trước một phần nghĩa vụ.
Do đó, khi ký hợp đồng đặt cọc hay biên bản giao nhận tiền, bạn cần ghi rõ khoản tiền mình giao cho bên bán là tiền đặt cọc hay tiền trả trước, tránh phát sinh tình trạng tranh chấp về sau.
Bồi thường hợp đồng và phạt cọc
Không ít trường hợp phá hợp đồng mua bán đất phải bồi thường. Vì thế, bạn nên xác định rõ khoản bồi thường và đặt cọc.
Trường hợp người bán không bán đất đã được đặt cọc, thì bên bán ngoài việc hoàn lại số tiền đặt cọc còn phải trả cho người mua khoản bồi thường hoặc khoản phạt vi phạm theo thỏa thuận trước đó trong hợp đồng. Do đó, bạn hãy lưu ý kỹ điều khoản về tiền phạt và bồi thường.
Hợp đồng đặt cọc mua nhà có giá trị pháp lý rất cao, là cơ sở để giải quyết mọi tranh chấp xảy ra trong quá trình mua bán. Đồ họa: M.H
Công chứng hợp đồng đặt cọc mua bán đất
Để chắc chắn về số tiền mình đã đặt cọc hoặc trả trước, bạn hãy đi công chứng hợp đồng đặt cọc mua bán đất.
Thủ tục công chứng hợp đồng đặt cọc mua bán đất gồm các loại giấy tờ như: phiếu yêu cầu công chứng; dự thảo hợp đồng; bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng; bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có…
Ngoài ra, không ít trường hợp soạn thảo văn bản hợp đồng đặt cọc bằng tay, nên sơ sài, giao dịch tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì thế, các bên nên đến văn phòng Thừa phát lại để được tư vấn, lập vi bằng về việc đặt cọc.
Nhadat24h.net - Theo báo xây dựng