Những ngày cuối năm, mặc dù bệnh dịch Covid-19 tại Việt Nam đã được tạm thời khống chế, nhưng phân khúc nhà cho thuê vẫn không sôi động, thậm chí có chiều hướng giảm.
Trên các tuyến phố nhiều tấm biển cho thuê cửa hàng nhưng ít có người hỏi thuê.
Theo báo cáo mới nhất của Savills Việt Nam về thị trường bán lẻ, đại dịch Covid-19 khiến nhiều khách thuê nhà phố phải tái cấu trúc kinh doanh. Rất nhiều chuỗi ăn uống và thời trang tại các vị trí đắc địa kinh doanh giảm sút, buộc phải đóng cửa. Nhà phố tại khu vực trung tâm phụ thuộc lĩnh vực thương mại du lịch bị hoàn trả do chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn chế đi lại giữa các quốc gia.
Theo số liệu gần đây của Savills, khoảng 50% doanh nghiệp bán lẻ có doanh thu tụt giảm trên 50% trong và sau giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua. Nguồn cầu sụt giảm mạnh khiến các công ty và đơn vị bán lẻ không thể tiếp tục hệ thống kinh doanh của mình.
Chính vì vậy, nhiều cửa hàng đã phải đóng cửa và trả lại mặt bằng. Trên hầu khắp các tuyến phố, tình trạng treo biển "cho thuê cửa hàng" đang diễn ra khá nhiều. Không ít địa điểm mặt bằng tại các trung tâm thương mại, khu phố lớn như phố Hai Bà Trưng, Phố Huế, Đồng Nhân… liên tục treo biển giảm giá 30% trong 6 tháng nhằm hỗ trợ ảnh hưởng do dịch bệnh nhưng lượng khách thuê vẫn thưa thớt.
Theo quan sát, trên phố Đồng Nhân vốn là khu phố từ trước đến nay luôn sầm uất, bởi phố này chuyên bán và thay thế các đồ phụ tùng ôtô, nên tất cả các cửa hàng ở đây giá cho thuê cao. Nhưng từ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19 thì phố Đồng Nhân trở nên vắng khách hơn trước, nhiều biển “Cho thuê cửa hàng” treo từ nhiều tháng nay mà không có người thuê.
Ông N.V.T (chủ một cửa hàng đang cho thuê trên phố Đồng Nhân) cho biết: “Khu phố Đồng Nhân vốn chuyên kinh doanh các mặt hàng phụ tùng ôtô, lúc nào cũng đông đúc và sầm uất, chính vì vậy giá cho thuê cửa hàng ở đây cao và ổn định. Nhưng từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều cửa hàng đã phải đóng cửa vì kinh doanh không hiệu quả. Những tháng cuối năm này cửa hàng của tôi đã giảm đến 40% tiền thuê nhưng vẫn chưa có ai hỏi thuê”.
Khảo sát của Tập đoàn CBRE mới đây về tác động dịch Covid-19 cho thấy, có tới 43% khách thuê cho rằng doanh thu sẽ giảm từ 10 - 30% trong năm 2020; 61% khách thuê chưa được nhận hỗ trợ tiền thuê nhà từ chủ nhà; 27% khách thuê mong đợi chủ nhà hỗ trợ nhiều hơn vì hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nặng từ dịch bệnh.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thị trường mặt bằng cho thuê gặp khó như: Kinh tế sụt giảm, sức mua kém khiến các cửa hàng kinh doanh ế ẩm, dẫn đến nhà đầu tư không dám liều thuê mặt bằng mở cửa hàng vì chi phí quá lớn.
Thêm nữa, dịch Covid-19 đang khiến cho thói quen tiêu dùng của khách hàng thay đổi. Nhiều người chuyển từ việc mua trực tiếp tại cửa hàng sang mua online. Vậy nên, nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh mặt phố cũng không được quan tâm.
Ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc Savills Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản cho thuê sẽ tiếp tục ảm đạm từ nay đến hết năm 2020 vì dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.
“Phân khúc căn hộ cao cấp, nhà phố mặt tiền khu trung tâm sẽ cực kỳ khó khăn vì giá thuê cao. Những chủ nhà có năng lực tài chính sẽ ít bị ảnh hưởng nhưng đối với những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính lớn thì áp lực trả lãi vay sẽ rất lớn. Vì vậy, lúc này bắt buộc chủ nhà phải giảm giá và việc này có thể sẽ kéo dài sang tận giữa năm sau”- ông Khương phân tích.
Theo Savills Việt Nam, mặt bằng kinh doanh nhà phố đang trải qua làn sóng giảm giá thuê rất mạnh suốt 3 quý vừa qua. Nguyên nhân bởi, tổng diện tích sàn cả căn nhà từ 200 - 400m2 trở lên, tính tổng giá thuê nhà tốn quá nhiều chi phí, nhiều khách thuê có ngân sách thấp không thể chi trả. Hiện nay, khách thuê rất thận trọng khi quyết định thuê mặt bằng mới, khiến thị trường thuê nhà giảm.
Đây chính là nguyên nhân, dù giảm giá thuê mạnh nhưng nhà phố mặt tiền vẫn kén khách trừ khi chủ nhà chia nhỏ từng tầng của căn nhà để cho thuê nhằm đưa về mặt bằng giá phải chăng hơn. Song vấn đề lại nằm ở chỗ nhà phố mặt tiền chỉ có tầng trệt là đắc địa nhất, thuận lợi để kinh doanh. Do đó, nếu chia nhỏ từng tầng để cho thuê nhiều khả năng các tầng trên bị ế khách.
Báo xây dựng