Trong các tháng đầu năm, bất động sản (BĐS) công nghiệp vẫn là một trong những điểm sáng trên thị trường ở thời điểm này. Tốc lực tăng trưởng của BĐS công nghiệp sẽ còn đi lên nhờ tiềm năng sẵn có của một thị phần “vàng” trong mắt nhà đầu tư.
Bất động sản công nghiệp sôi động ngay trong thời điểm Việt Nam có dịch COVID-19. Ảnh: Cao Nguyên
Hội tụ nhiều điểm “vàng”
Đã từng có những lo ngại về sức hấp dẫn của BĐS khu công nghiệp khi những ổ dịch lớn bùng phát tại các khu công nghiệp như Bắc Giang, Bắc Ninh. Đáng lo ngại hơn khi quy mô và tính chất phức tạp của làn sóng COVID-19 mới nguy hiểm và phức tạp hơn so với những lần trước. Tuy nhiên, bất chấp ảnh hưởng của dịch, BĐS công nghiệp tiếp tục trở thành phân khúc có kết quả tăng trưởng lạc quan.
Dẫn chứng về khả năng “miễn nhiễm” của BĐS công nghiệp, báo cáo của Savills Việt Nam nêu rõ, mặt bằng chi phí thuê đất khu công nghiệp được ghi nhận đã tăng cao đưa phân khúc này trở thành điểm sáng hiếm hoi trong tình hình thị trường hiện tại. Đáng chú ý, BĐS công nghiệp đang được săn đón bởi các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong bối cảnh nguồn cung hạn chế tại các phân khúc khác như nhà ở thương mại, văn phòng, bán lẻ…
Báo cáo của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cũng nhận định, thị trường BĐS công nghiệp đang chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ về nguồn cầu tại nhiều tỉnh, thành phố, tiêu biểu như: Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang...
Theo thống kê của VARS, hiện có 260 khu công nghiệp đang hoạt động và 75 khu công nghiệp đang xây dựng. Tỉ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp Việt Nam đạt bình quân trên 70%, giá thuê nhà xưởng bình quân trên cả nước khoảng 60.000 - 80.000 đồng/m2 và giá mua đất khu công nghiệp đã có hạ tầng dao động từ 3 - 5 triệu đồng/m2.
Các chỉ số tăng trưởng đầy lạc quan của lĩnh vực BĐS công nghiệp cho thấy sức nóng của phân khúc này chưa hề giảm trước tác động của làn sóng COVID-19 mới. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, BĐS công nghiệp không giảm sức hấp dẫn bởi đây là lĩnh vực chủ lực và hội tụ nhiều điểm vàng trong mắt các nhà đầu tư ngoại. Dịch bệnh chỉ làm chậm kế hoạch di dời của các nhà máy, chuỗi cung ứng vào Việt Nam.
Chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Ngọc Tú (Giảng viên Đại học kinh doanh và Công nghệ) nói với Lao Động, để đưa tới quyết định lựa chọn khu công nghiệp tại Việt Nam, nhà đầu tư sẽ phải xem xét dựa trên rất nhiều yếu tố. Cụ thể từ quỹ đất, nằm ở khu công nghiệp nào đến việc doanh nghiệp cũng phải khảo sát rất nhiều khu công nghiệp, đánh giá các dịch vụ logistics, chuỗi cung ứng đi kèm cũng như đặc điểm thị trường mà họ đang nhắm đến xuất khẩu hay tiêu thụ.
“Họ buộc phải tìm hiểu khá kỹ mới đưa ra quyết định. Thế nên, dịch bệnh chỉ tác động đến kế hoạch di dời, không ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn điểm đến của nhà máy, chuỗi cung ứng” - ông Tú nói thêm.
Lực đỡ tăng trưởng
Khả năng "miễn nhiễm" với dịch bệnh cùng sức hút sẵn có khiến BĐS công nghiệp được dự báo sẽ hứa hẹn tăng trưởng tích cực trong năm 2021. Các chuyên gia cho rằng, sức hấp dẫn sẵn có của lĩnh vực này chính là lực đỡ để BĐS công nghiệp tiếp tục vượt qua “sóng gió” trong “cơn bão” COVID-19.
Đánh giá về thị trường BĐS công nghiệp, TS Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam - cho rằng: "Chủ trương và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc hỗ trợ và mở rộng các BĐS công nghiệp để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường BĐS Việt Nam là một yếu tố tích cực.
Cũng theo ông Khương, hiện nay Chính phủ đang ưu tiên các ngành nghề tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám cao vì đây là những ngành mang tính thời đại, do đó vấn đề về nhân lực, lực lượng lao động có tay nghề để đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài vào BĐS khu công nghiệp tại Việt Nam cũng là một bài toán cần phải quan tâm".
Còn chuyên gia BĐS, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Châu đánh giá, BĐS công nghiệp sẽ tiếp tục là “đứa con cưng” của ngành BĐS nói chung, với nhu cầu cao và hoạt động thị trường vốn gia tăng.
Theo vị này, Việt Nam có vị trí sát Trung Quốc, chi phí cho thuê kho bãi hợp lý, thấp hơn 30 - 50% so với một số nước khu vực. Đặc biệt, các khu công nghiệp ở miền Bắc đã có sẵn chuỗi cung ứng điện tử, điện lạnh, ôtô… Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nước ngoài giảm chi phí khi kéo theo chuỗi cung ứng đi kèm. Chính vì thế, BĐS công nghiệp Việt Nam còn nhiều cơ hội để tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ bởi đây là phân khúc sở hữu nhiều điểm vàng và yếu tố chủ lực.
TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế, cũng lạc quan cho rằng, tốc lực tăng trưởng của BĐS công nghiệp sẽ còn đi lên nhờ tiềm năng sẵn có của một thị phần “vàng” trong mắt nhà đầu tư. Theo ông Hiếu, khi chương trình tiêm chủng vaccine được đẩy mạnh, dịch bệnh cơ bản kiểm soát, BĐS công nghiệp sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Theo báo cáo của Savills Việt Nam, tỉ lệ lấp đầy ở khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc tăng so với cùng kỳ. Tại Hà Nội, tỉ lệ lấp đầy lên tới 90%, con số này ghi nhận ở Bắc Ninh là 95%, Hưng Yên là 89% và Hải Phòng là 73%. Ở khu vực phía Nam cũng ghi nhận tỉ lệ lấp đầy lớn trên 70%, cụ thể TP.Hồ Chí Minh là 88%, Bình Dương là 99%, Đồng Nai là 94%, Long An là 84%, Bà Rịa - Vũng Tàu là 79%.
Nhadat24h.net- Theo báo xây dựng