• Bất động sản công nghiệp sẽ là điểm sáng mới của thị trường năm tới

Bất động sản công nghiệp sẽ là điểm sáng mới của thị trường năm tới

Ngày cập nhật: 29/11/2022 » Thị trường nhà đất

Theo Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam, hiện có khoảng 563 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích được bao phủ là khoảng 210.900 ha.

Về khả năng thu hút FDI sản xuất, thống kê của một kênh bất động sản cho thấy, 8 tháng đầu năm 2022, ngành sản xuất chiếm 60% tổng mức tăng trưởng GDP của Việt Nam kể từ đầu năm với tổng giá trị 8,3 tỉ USD.

Về số dự án cấp mới và vốn đăng ký cấp mới cho 191 dự án là 3,3 tỉ USD. Miền Bắc Việt Nam nhận được nhiều nhất khoản đầu tư đó với 65%, trong khi miền Nam có 42%.

Với những dấu hiệu tích cực ở thời điểm hiện tại, bất động sản công nghiệp được đánh giá có nhiều cơ hội bùng nổ trong năm 2023.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội (HnREA), cho rằng giai đoạn này, bất động sản công nghiệp là một trong những phân khúc đang nổi lên, bởi ảnh hưởng của làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc và các nước khu vực sang Việt Nam, đặc biệt tại hai vùng trọng điểm cả nước là Hà Nội và TP.HCM, các KCN phát triển, thu hút nguồn lực và người đến ở rất đông. Do đó, trước mắt và trong tương lai, đầu tư vào phân khúc này là lựa chọn hợp lý.

TS. Cấn Văn Lực cùng chung quan điểm, cho rằng đó là phân khúc số một thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Tiếp đó là bất động sản nhà ở, bởi theo ông, nguồn cung phân khúc trung cấp và thấp cấp đang thiếu rất nhiều, nhất là các dự án nhà ở cho công nhân và nhà ở xã hội đúng nghĩa.

Ông Lực cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 300 KCN là hoạt động một cách đầy đủ, chiếm 73-75%. Việc đầu tư vào bất động sản công nghiệp sẽ phụ thuộc và từng khu vực, từng địa phương, không phải đầu tư vào đâu cũng sẽ thắng.

Chuyên gia này cũng lưu ý, mặc dù còn nhiều tiềm năng nhưng các nhà đầu tư phải hết sức chú ý khâu quy hoạch, bởi không phải chỗ nào cũng có thể đặt KCN.

Theo ông Lực, có 3 động lực quan trọng cho phân khúc này.

Thứ nhất, sau khoảng 10 năm, Chính phủ mới chính thức có Nghị định 35 vào ngày 28.5.2022, quy định về bất động sản công nghiệp trong đó yêu cầu năng lực chủ đầu tư rõ ràng hơn, quy trình thủ tục đơn giản hơn, và phải có hệ sinh thái nhà ở…

Động lực thứ hai là khả năng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. “Trong khoảng 1 tháng vừa qua, tôi làm việc với 3 đoàn nhà đầu tư nước ngoài.

Cách đây một tuần là mấy nhà đầu tư Canada, sắp tới là các nhà đầu tư Phần Lan và một số nhà đầu tư của Mỹ. Họ rất quan tâm.

Chính sách dịch chuyển chuỗi đầu tư, cung ứng từ Trung Quốc, Hong Kong do chính sách Zero Covid vẫn còn. Do vậy, xu hướng dịch chuyển đến Việt Nam vẫn tồn tại”, ông Lực cho biết.

Động lực thứ ba, theo ông Lực, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có chính trị ổn định, giá nhân công cạnh tranh, thấp hơn một chút so với Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng ngày càng được quan tâm cải thiện nhất là nơi có các KCN. Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam rất hấp dẫn. Đó là những động lực quan trọng giúp cho bất động sản công nghiệp phát triển thời gian tới.

Nhadat24h.net- theo cafeland.