(Xây dựng) - Những năm gần đây, tỉnh Bình Dương luôn là địa bàn mà các nhà đầu tư bất động sản hướng đến bởi tiềm năng về vị trí, quỹ đất, tốc độ tăng trưởng và nhu cầu. Vừa qua, tại Hội thảo “Thị trường bất động sản Bình Dương: Cơ hội đầu tư mới” do Báo Tiền Phong phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương tổ chức, các chuyên gia cho rằng cơ hội cho thị trường bất động sản Bình Dương là rất lớn.
|
Hạ tầng giao thông và thủ tục hành chính tại Bình Dương luôn thông thoáng giúp nhà đầu dễ tiếp cận. |
Tiềm năng bất động sản Bình Dương
Bình Dương có lợi thế nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, lãnh đạo năng động nên tỉnh luôn ở Top đầu thu hút đầu tư phát triển công nghiệp đô thị. Do đó, nhiều lao động chất lượng cao về Bình Dương sinh sống và làm việc. Đây chính là điều kiện rất thuận lợi để Bình Dương phát triển kinh tế - xã hội về mọi mặt, trong đó có thị trường bất động sản.
Ông Nguyễn Thanh Trúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: “Theo định hướng tỉnh Bình Dương đến năm 2021-2025, nơi đây sẽ tiếp tục xây dựng trở thành đô thị văn minh hiện đại thành một trung tâm hàng đầu của cả nước và khu vực, trong đó chắc chắn có liên quan đến lĩnh vực bất động sản.
Thời quan qua tỉnh Bình Dương xác định luôn cùng các doanh nghiệp đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất để cùng Bình Dương xây dựng ngày càng hiện đại hơn nữa. Thành quả là đã thu hút đầu tư, an sinh xã hội, đặc biệt là các hoạt động về bất động sản, xây dựng nhà ở có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, để phát triển hơn nữa, tỉnh luôn lắng nghe những đóng góp của các chuyên gia bất động sản để định hướng tốt hơn trong tương lai”.
PGS.TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, tỉnh Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bình Dương là nơi kết nối toàn cầu chứ không chỉ riêng gì ở trong nước. Tuy nhiên, từ trước đến nay tính kết nối của tỉnh chỉ ở mức bình thường nên cần phát huy lợi thế này hơn trong tương lai.
“Cần có cơ chế chính sách thay đổi để tỉnh Bình Dương phát triển hơn nữa. Và đây là thời điểm cần tạo ra sức mạnh, sức bật cho tỉnh Bình Dương phát triển xứng tầm”, ông Thiên cho biết.
Theo ông Võ Hoàng Ngân - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, mỗi năm Bình Dương cần thêm hàng chục ngàn lao động để đảm bảo phát triển các ngành Công nghiệp, tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, việc Bình Dương nhiều năm liên tiếp nằm trong Top các tỉnh thu hút FDI nhiều nhất cả nước đã kéo theo lượng lớn các chuyên gia đến từ nước ngoài về đây sinh sống và làm việc. Do đó, tiềm năng phát triển dự án nhà ở tại tỉnh là cực kỳ lớn.
8 tháng đầu năm 2020, UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 37 dự án với gần 20.800 căn hộ chung cư và đất nền khu dân cư. Trong đó, khu dân cư là 19 dự án tập trung chủ yếu tại thị xã Tân Uyên, Bến Cát, huyện Bàu Bàng và 18 dự án chung cư cao tầng ở 3 thành phố Thuận An, Dĩ An và Thủ Dầu Một.
“Trong 5 năm tới, Bình Dương sẽ tiếp tục xây dựng đô thị mới kết hợp chỉnh trang đô thị cũ. Có phân khúc, phân khu nhằm đảm bảo kết cấu hạ tầng, đảm bảo quy hoạch. Tỉnh cũng tiếp tục nghiên cứu chuyển đổi công năng các khu công nghiệp”, ông Ngân thông tin thêm.
Khơi thông điểm nghẽn
Tiềm năng là vậy nhưng cửa ngõ để Bình Dương kết nối hạ tầng giao thông với Thành phố Hồ Chí Minh luôn nghẽn. Hiện các cửa ngõ đi Thành phố Hồ Chí Minh đều quá tải và thường xuyên ùn tắc giao thông như tuyến Quốc lộ 13, đường ĐT743 và đường Mỹ Phước Tân Vạn.
Đánh giá về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng thời gian tới, tỉnh Bình Dương cần tạo điều kiện hơn nữa để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp không chỉ trong tỉnh mà cả ngoài tỉnh đến đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, đối với tỉnh Bình Dương có nhiều lợi thế như có tầm nhìn quy hoạch tốt, trong đó phát triển nhà ở gắn liền với phát triển nhà ở xã hội.
“Tuy nhiên, điểm nghẽn của tỉnh Bình Dương là tính kết nối với các tỉnh lân cận, tắc nghẽn ở các cửa ngõ ra vào các tỉnh trong khu vực dù cơ sở hạ tầng giao thông nội bộ trong tỉnh rất tốt. Cụ thể, trên tuyến đường Quốc lộ 13 đi vào Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên kẹt xe, đường còn hẹp. Ngoài ra, cả trong vận tải hàng hoá từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Bình Dương cũng không được thuận lợi khi giao thông tắc nghẽn ở các cảng, nhà ga lớn đến Thành phố Hồ Chí Minh như ở ga Sóng Thần”, ông Châu thông tin thêm.
Nói về quy định pháp luật, các chuyên gia cho rằng hiện nay pháp luật đã quy định chặt chẽ, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế và quy trình thủ tục đầu tư xây dựng. Đơn cử như điểm mới tại Luật Xây dựng sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2021, tại Mục d, Khoản 2, Điều 7 quy định: “Chủ đầu tư là nhà đầu tư được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận”. Đây được xem là điểm nghẽn lớn đã được tháo gỡ được vướng mắc của các khái niệm “nhà đầu tư” và “chủ đầu tư”, giải quyết được ách tắc của hàng trăm dự án nhà ở thương mại trong 5 năm qua.
“Dự thảo Nghị định đất đai” đã quy định cơ chế xử lý các thửa đất do Nhà nước quản lý (đất công) nằm xen cài trong dự án sản xuất kinh doanh, dự án nhà ở, sẽ tháo gỡ ách tắc của hàng trăm dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, xen cài các thửa “đất công”. Dự thảo này cũng quy định tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất (hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất) đối với các “thửa đất công” đủ điều kiện tách thành dự án độc lập, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Nhà nước có quyết định thu hồi đất. Do đó, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Xây dựng quy định các tiêu chí về quy hoạch để xác định “thửa đất công” đủ điều kiện tách thành dự án độc lập, để các địa phương có căn cứ thực hiện”, ông Châu cho biết thêm.
Nguồn: https://baoxaydung.com.vn/binh-duong-co-hoi-nao-cho-bat-dong-san-phat-trien-290061.html