Một số người trẻ sau một thời gian "bỏ phố về quê" đã phải trở về thành phố sinh sống, sẵn sàng cắt lỗ vài trăm triệu đồng để bán nhanh thửa đất đã mua trước đó.
Giới trẻ với xu hướng "bỏ phố về quê"
Trong vài năm gần đây, xu hướng "bỏ phố về quê" phát triển mạnh ở các vùng ven thành phố. Điều đặc biệt, hầu hết người lựa chọn về quê sinh sống lại là tầng lớp thanh niên, hoặc gia đình trẻ tuổi.
Trao đổi với PV Báo Dân trí, chị Đỗ Thị Huệ (29 tuổi), một người trẻ tuổi đã bỏ hết sự nghiệp tại Hà Nội, để về vùng ngoại ô Ứng Hòa (Hà Nội) sinh sống cho biết: "Nhiều người vẫn nghĩ, chỉ có người trung niên, đã về hưu mới có tư tưởng về quê sinh sống để gần gũi với thiên nhiên. Điều này không sai, nhưng chỉ chính xác một phần. Trong thời điểm hiện tại, người trẻ mới là đối tượng chính, khiến xu hướng này bùng nổ", chị Huệ nói.
Kể về quá trình "bỏ phố về quê", chị Huệ tiết lộ, từ nhỏ, chị đã có chứng bệnh hen suyễn khá nặng. Vào những ngày khô hanh, chị gần như ho cả ngày, bất kể ngày hay đêm.
Xu hướng bỏ phố về quê phát triển mạnh trong một vài năm trở lại đây. Ảnh: Huyền Trang
Đặc biệt, mỗi khi ra đường đi làm hay đi chợ, chị Huệ đều nhăn mặt, khó chịu với nồng độ bụi dày đặc trong bầu không khí của Hà Nội. Thậm chí, đã có vài lần, chị lên cơn suyễn giữa lúc tắc đường, nếu không có dụng cụ hạ cơn hen khẩn cấp, rất có thể chị Huệ sẽ đối mặt với nguy hiểm.
Nhờ một số người quen làm bác sỹ tư vấn, năm 2017, chị Huệ quyết định về quê ngoại ở Ứng Hòa sinh sống lâu dài.
"Lúc đó, tôi đang công tác trong ngành ngân hàng với mức lương lên tới 35 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, thời điểm đó, tôi gần như kiệt sức với bầu không khí ô nhiễm của Hà Nội, nên quyết định về quê sinh sống. Rất may, khi đưa ra quyết định này, tôi nhận được sự ủng hộ từ người thân và bạn bè", chị Huệ nói.
Sau khi về quê, chị Huệ quyết định bỏ ra 1,3 tỷ đồng để mua gần 1.000 m2 đất, vừa để ở, vừa để trồng trọt, thả gà. Cuộc sống tự cung, tự cấp dù không dư dả về tài chính, song chị thấy cuộc sống lành mạnh và ý nghĩa hơn.
Cũng giống như chị Huệ, đôi vợ chồng trẻ Đào Khánh (32 tuổi, quê Hải Dương) và Lê Lan (26 tuổi, quê Nghệ An) cũng quyết định "bỏ phố" về quê Nghệ An sinh sống đã 4 năm nay. Tuy nhiên, quyết định này không nhận được sự đồng thuận của người thân trong gia đình, nhất là bố mẹ Khánh phản đối kịch liệt.
Cuộc sống về quê ở không toàn màu hồng như nhiều người vẫn nghĩ. Ảnh: Huyền Trang
"Tôi mất 4 năm học Đại học ở Hà Nội, mất thêm 6 năm nữa xây dựng sự nghiệp tại đây. Khi bản thân đang có bước tiến trong công việc, hai vợ chồng lại quyết định về quê vợ sinh sống. Lúc đầu, bố mẹ tôi có phản đối. Nhưng khi thấy cuộc sống của hai vợ chồng vẫn ổn định, về sau 2 ông bà cũng ủng hộ", Khánh chia sẻ với PV.
"Bỏ phố về quê", không phải lúc nào cũng "màu hồng"
Mặc dù xu hướng "bỏ phố về quê" phát triển mạnh trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, vẫn có một số bộ phận giới trẻ đã phải quay lại thành phố sinh sống, sẵn sàng cắt lỗ vài trăm triệu đồng để bán nhanh thửa đất đã mua trước đó.
Cách đây hơn 2 năm, chị Nguyễn Yến (35 tuổi, Hoàng Mai) đã đầu tư 1,1 tỷ đồng để mua 1.000 m2 đất tại Ba Vì (Hà Nội). Trong đó, 300 m2 đất là đất ở lâu dài, số còn lại là đất nông nghiệp.
Nhiều gia đình ở Hà Nội có xu hướng chuyển ra ngoại thành sinh sống. Trong ảnh là những khu nhà vườn xanh mát mắt tại khu vực Quốc Oai (Hà Nội). Ảnh: Toàn Vũ
Theo dự tính ban đầu, chị Yến sẽ đầu tư thêm 500 triệu - 600 triệu đồng để xây dựng homestay vừa là nơi cho gia đình nghỉ ngơi vào dịp cuối tuần, vừa sử dụng cho thuê để kiếm thêm thu nhập.
Tuy nhiên, năm 2020, đại dịch Covid-19 đã phá vỡ mọi kế hoạch mà chị Yến đề ra. Homestay mở ra rất hiếm khách thuê, bản thân gia đình chị cũng ít khi về nghỉ ngơi tại đây.
"Trong suốt 1 năm trời, cả gia đình chỉ về đây nghỉ ngơi chưa tới 3 lần. Ngay cả khách thuê cũng rất ít, trong cả năm chưa tới 10 lượt khách. Tuy nhiên, để duy trì nhà cửa, vườn tược, tôi vẫn phải thuê người địa phương tới trông coi và chăm sóc, chi phí là 3,5 triệu đồng/người, tổng số tiền phải chi cho nhân công tới gần 15 triệu đồng/tháng", chị Yến nói.
Thấy lãng phí, chị Yến quyết định rao bán gấp mảnh vườn này, chấp nhận cắt lỗ với mức giá 1,4 tỷ đồng. Tính sơ qua, chị Yến lỗ khoảng 200 triệu - 300 triệu đồng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Hoàng (32 tuổi) cũng đã một lần "vấp ngã", khi vội vàng đầu tư vào đất nền ven đô nhằm phát triển mô hình nhà ở sinh thái nghỉ dưỡng.
Đầu năm 2019, ông Hoàng đã đầu tư gần 5 tỷ đồng, để mua gần 3.000 m2 đất tại Hòa Bình. Dự kiến, mảnh đất này sẽ được sử dụng làm nơi nghỉ dưỡng vừa để ở, vừa để cho thuê.
Sau 1 năm đi vào hoạt động, mô hình này không đem lại hiệu quả như dự tính ban đầu. Ông Hoàng quyết định chuyển đổi từ việc ôm hết mọi thứ, sang mô hình liên kết với người dân trồng cây ăn quả.
"Với khoảng 2.700 m2 đất nông nghiệp, tôi cho một số hộ dân mượn đất để trồng cam. Chính vì cho mượn, nên không có giá thuê. Thay vào đó, người mượn đấy sẽ có trách nhiệm chia sẻ lợi nhuận, mỗi khi khai thác vườn cây tại đây", Hoàng nói.
Ông Hoàng cho biết: Để đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên, giữa người đi mượn đất và người cho mượn đất phải ký một bản hợp đồng rõ ràng. Trong đó, thời điểm đầu, bên chủ đất sẽ hỗ trợ một phần kinh phí ban đầu để mua giống, xây dựng chuồng trại;... Sau 3 - 5 năm, khi mảnh vườn đã tạo ra lợi nhuận sẽ chia đều giữa các bên.
"Mục đích chính của việc liên kết này vừa tránh lãng phí đất, vừa có thu nhập dòng. Vì vậy, theo tôi, thay vì "bỏ phố về quê", thì xu hướng "cho mượn đất" sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới", ông Hoàng nói.
Theo báo xây dựng