Những cách thức để tránh bị "sập bẫy" lừa khi giao dịch bất động sản rất quan trọng. Nhưng nếu đã "trót" là nạn nhân bị lừa đảo, việc ứng xử ra sao để giải quyết vụ việc cũng rất quan trọng nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Các giao dịch bất động sản luôn có giá trị lớn. Do đó, nó cũng là mảnh đất màu mỡ mà giới lừa đảo nhắm đến. Đã có rất nhiều chiêu trò lừa đảo bị cơ quan chức năng phanh phui. Trải qua thời gian, thủ đoạn lừa đảo ngày càng khó phát hiện và tinh vi hơn. Đôi khi người mua sập bẫy rồi vẫn chưa biết phải làm gì để đòi lại quyền lợi cho mình hoặc giảm thiểu tối đa thiệt hại.
1. Ngăn chặn mọi giao dịch liên quan đến nhà đất đó
Ngay sau khi phát hiện ra mình đã thành nạn nhân sập bẫy lừa mua bán bất động sản, hãy lập tức soạn một tờ đơn ngăn chặn hoạt động mua bán nhà đất đó gửi đến các cơ quan sau: Sở Tư pháp tỉnh/thành phố nơi có đất, các văn phòng công chứng trên địa bàn thành phố nơi có đất, văn phòng đăng ký đất đai Quận/huyện nơi có đất, UBND phường nơi có đất.
Đơn ngăn chặn mọi giao dịch sẽ khiến kẻ lừa đảo không thể tẩu tán tài sản
Mục đích của việc làm đơn là thông báo đến các cơ quan chức năng về tình trạng tranh chấp liên quan đến việc mua bán nhà/đất đó. Đơn được gửi sớm sẽ tránh cho mọi việc trở nên phức tạp và rối rắm hơn, bởi rất có thể kẻ lừa đảo sẽ tìm cách tẩu tán tài sản hoặc thực hiện thêm các giao dịch lừa đảo với những nạn nhân khác giống bạn.
Kèm theo đơn, hãy cung cấp các bằng chứng cụ thể mà bạn có được về việc tranh chấp hoặc hành vi lừa đảo của đối tượng, ví dụ như một bản thỏa thuận riêng giữa 2 bên, các giấy tờ ký kết giữa hai bên...
Khi nhà, đất có tranh chấp, về nguyên tắc chung, cơ quan chức năng sẽ tạm ngừng các giao dịch như mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp… với nhà, đất đó. Như vậy mục đích của người lừa bán nhà đất sẽ không thể đạt được.
2. Đàm phán "tình cảm" hoặc đe dọa đưa vụ việc ra pháp luật
Thực ra, việc bị lừa không hẳn là lỗi của một bên, việc nhẹ dạ, cả tin, thiếu kiến thức về luật pháp chính là cơ hội để kẻ lừa đảo tận dụng. Nếu chẳng may là nạn nhân của lừa đảo mua bán nhà đất, hãy tìm cách thông báo cho đối tượng rằng bạn đã phát hiện ra hành vi và sẽ có biện pháp nhờ tới pháp luật can thiệp. Tuy nhiên, bạn vẫn sẵn sàng đàm phán, giải quyết trong êm thấm để tránh rắc rối thêm cho hai bên. Khi hai bên đã đạt được thỏa thuận, bạn có thể lấy lại nhà, đất bằng việc soạn thảo và công chứng một số văn bản như Hợp đồng chuyển nhượng (chuyển lại nhà đất cho bạn), Văn bản thỏa thuận, Hợp đồng ủy quyền… tùy vào thực tế vụ việc.
Thương lượng thành công thì vụ việc sẽ được giải quyết nhanh gọn, thuận lợi hơn
Việc tìm cách giải quyết thuận lợi cho cả 2 bên còn phụ thuộc vào sự việc thực tế, thái độ thiện chí, khéo léo và hiểu biết của mỗi bên trong vụ việc.
Có một thực tế là nhiều khi người lừa và người bị lừa lại chính là những người thân, họ hàng trong gia đình. Có thể ban đầu họ không có ý định lừa, nhưng do lòng tham hoặc áp lực từ một số hoàn cảnh như nợ nần, làm ăn thất bại không trả được nợ nên mới dẫn đến hành vi lừa đảo. Vì thế, khi sự việc xảy ra rồi, dù bạn rất bức xúc và tức giận, muốn đưa ngay ra pháp luật nhưng hãy nhớ nếu đàm phán, thương lượng thành công thì vụ việc sẽ được giải quyết nhanh gọn và thuận lợi hơn.
Vậy nên bạn hãy bình tĩnh để "đàm phán" thật khéo léo và có những đe dọa cần thiết về tiến trình xử lý vụ việc trước pháp luật. Với những người lừa đảo "không chuyên" hoặc kẻ lừa đảo non gan, bạn có thể sẽ giải quyết được mọi việc trong êm đẹp mà không cần nhờ sự trợ giúp khá tốn công sức và thời gian từ pháp luật.
3. Khởi kiện, tố cáo đối tượng lừa đảo
Đây là con đường cuối cùng nếu không thể đàm phán hoặc đối tượng lừa đảo mua bán nhà đất đã bỏ trốn. Bạn cần làm đơn tố cáo ra các cơ quan chức năng nhằm yêu cầu hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã sang tên hoặc các hợp đồng ủy quyền, hợp đồng mua bán liên quan.
Nếu xác minh có dấu hiệu “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan chức năng sẽ tiến hành khởi tố, điều tra vụ việc và có biện pháp đảm bảo quyền lợi cho bạn.
Nguồn: Báo Xây Dựng