Theo ông Đinh Minh Tuấn, các khu vực trung tâm TP.HCM thường thu hút nhiều đơn vị muốn tăng nhận diện thương hiệu vì nơi này tập trung đông 2 nhóm đối tượng giàu tiềm năng là du khách nội địa và du khách quốc tế. Tuy nhiên, 2 nhóm đối tượng này hiện đều sụt giảm mạnh do kinh tế khó khăn.
Vì vậy, các đơn vị kinh doanh sẽ quay về khu vực bán trung tâm như quận 7, quận Bình Thạnh, Phú Nhuận. Đây là những nơi có lượt traffic lớn với nhóm khách hàng tiềm năng là cư dân tại chính khu vực.
Điều này giúp họ giảm chi phí thuê mặt bằng nhưng vẫn đạt được hiệu quả về doanh số.
Một đơn vị chỉ ra 3 nguyên nhân chủ yếu của làn sóng “tháo chạy” khỏi các mặt bằng ở khu vực trung tâm. Lý do đầu tiên là chi phí thuê tăng cao.
Mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, sức mua giảm, giá thuê mặt bằng tại các đường lớn tại khu vực quận 1 vẫn tiếp tục neo cao khiến cho việc sở hữu một mặt bằng lớn tại khu vực này trở nên khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, sự phát triển của hệ thống cửa hàng online cũng tạo nên nhiều khó khăn hơn cho các thương hiệu lớn có thể duy trì hoạt động của các cửa hàng vật lý khi phải cạnh tranh về giá gắt gao.
Cuối cùng là sự thay đổi trong xu hướng của người tiêu dùng. Nhiều người không còn thực sự hứng thú với việc mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng lớn tại khu vực trung tâm.
Thay vào đó, họ chọn mua sắm online hoặc tại các cửa hàng gần nơi mình sinh sống nhờ những ưu điểm về mặt giá cả cũng như thời gian di chuyển.
Vị này lấy ví dụ Uniqlo mở cửa hàng đầu tiên tại đường Đồng Khởi (quận 1) vào năm 2017. Tuy nhiên, họ đã chuyển cửa hàng flagship của mình sang khu vực quận 7.
Điều này cũng tương tự ở H&M và Zara, sau khi mở cửa hàng đầu tiên tại khu vực quận 1 lần lượt vào năm 2014 và 2016, hai nhãn hàng đều hướng đến việc mở rộng các cửa hàng vật lý tại các khu vực bán trung tâm nhiều hơn.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.