• Cần thiết phải được rà soát nguồn lực đất đai

Cần thiết phải được rà soát nguồn lực đất đai

Ngày cập nhật: 4/8/2022 » Thị trường nhà đất

Trước sự phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội kèm theo sự gia tăng nhu cầu sử dụng đất, trong điều kiện quỹ đất có hạn, đất đai ngày càng khan hiếm và có giá trị, đòi hỏi Nhà nước phải tăng cường quản lý chặt chẽ để sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả cao.

Đầu năm 2018, để xử lý trình trạng lãng phí đất đai, chậm đưa đất vào sử dụng, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT- TTg ngày 03/01/2018, yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo xử lý các dự án đã được giao đất, cho thuê đất không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng;

Theo Bộ TN&MT, đến nay qua kết quả rà soát, tổng hợp báo cáo của các địa phương, cả nước có 916 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, với diện tích là 27.968ha.

Trong đó: Dự án đã thu hồi đất và đã chấm dứt hoạt động là 172/916 dự án (với diện tích 6.922ha); 219/916 dự án đã xử lý gia hạn sử dụng đất (với diện tích 1.566ha).

Hiện nay, đang xử lý 113/916 dự án (diện tích 1.211ha) và chưa xử lý 412/916 dự án (với diện tích 18.269ha).

Với kết quả rà soát trên cho thấy, diện tích đất chưa được xử lý vẫn còn khá lớn. Vì vậy, việc xây dựng và thực hiện một đề án về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội phục hồi sau đại dịch COVID-19 của Chính phủ là thực sự cần thiết lúc này.

Các dự án chậm giải phóng mặt bằng. Bộ này cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương rà soát, xử lý, công khai vi phạm trên Cổng thông tin điện tử và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các địa phương đã tích cực tổ chức kiểm tra, rà soát, xử lý các dự án chậm.

Ngày 21/7, tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII, trong bài phát biểu của Thủ tướng có nhấn mạnh giải phóng, phát huy nguồn lực đất đai để tạo động lực cho phát triển là yếu tố cấp thiết đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

Một đề án tổng thể về mục tiêu đó đang được Chính phủ xây dựng dựa trên căn cứ pháp lý, chính trị vững chắc và quyết tâm thực hiện.

Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.