Nhiều nhà đầu tư ở Hà Nội chọn hướng tìm mua các khu đất rộng, phân lô, xây các căn nhà ống để bán. Tuy vậy, ngành này đang suy giảm lợi nhuận và khó khăn trong triển khai.
Theo anh Cường, khoảng 4 năm trước, việc bán nhà phân lô có thể mang về mức lợi nhuận lớn.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh này đang suy yếu qua từng năm do Nhà nước siết chặt tín dụng bất động sản, chi phí xây dựng tăng cao, cùng với đó là những quy định mới ngày càng khắt khe về việc phân lô, tách thửa.
Theo chị Huyền Thương (48 tuổi, nhà đầu tư cá nhân tại quận Hà Đông), các khu vực ven trung tâm như Đa Sỹ, Hà Trì, Yên Nghĩa, Vạn Phúc, Trần Phú, Đông La là những điểm nóng của thị trường nhà ở phân lô.
Diện tích phổ biến của những căn nhà này khoảng 30-40 m2, mức giá dao động từ 1,5 tỷ đồng đến 4,2 tỷ đồng, tùy theo từng vị trí.
“Hồi đầu năm, cứ một căn bán được thành công thì chủ đầu tư lãi 400-500 triệu đồng. Hiện sức mua đã suy giảm, toàn ngành bất động sản đang đi xuống, quy định phân lô, tách thửa không đơn giản như trước. Bây giờ, lợi nhuận chỉ cần đạt 100-200 triệu đồng, coi như lấy công làm lãi’, chị Thương cho biết.
Để tối ưu hóa chi phí, các chủ đầu tư sử dụng chung thiết kế nội, ngoại thất cho những sản phẩm hàng loạt. Chị Huyền Thương cho biết việc mua nguyên vật liệu với số lượng lớn có thể làm giảm 5-10% chi phí mua sắm.
Những căn có nội thất đầy đủ sẽ có giá cao hơn từ 200 triệu đồng so với các ngôi nhà chỉ hoàn thiện phần thô.
Theo ông Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc Công ty BHS Group, việc kinh doanh nhà ở phân lô tương tự với câu chuyện mua buôn, bán lẻ. “Lô đất phân ra càng nhỏ thì lợi nhuận càng cao.
Trong thời điểm thị trường ‘nóng sốt’, chuyện bán lãi gấp đôi là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, hiện tại, mức lãi khoảng 15-30% có thể coi là thành công đối với nhà đầu tư”, ông Lê Xuân Nga chia sẻ với Zing.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng nhà đầu tư không còn quá mặn mà với loại hình nhà ở phân lô. Hiện mọi người chỉ dừng lại ở động thái nghe ngóng, thăm dò thị trường.
Quyết định đầu tư vẫn có thể được đưa ra nếu khu đất phân lô nằm ở vị trí đẹp, phục vụ nhu cầu ở thực và mang lại cho nhà đầu tư mức lãi cao hơn ngân hàng, từ 10% đến 20%.
Riêng tại Hà Nội, các quy định mới về việc phân lô, tách thửa đã khiến mô hình kinh doanh này không còn hoạt động sôi nổi như trước, đặc biệt là ở các vùng ven trung tâm.
Kể từ ngày 15/8, tại các khu vực thuộc thị xã Sơn Tây và 8 quận, bao gồm Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Tây Hồ, mảnh đất phải rộng từ 40 m2 trở lên mới đạt điều kiện tách thửa, trong khi trước đây, chỉ cần từ 30 m2 là đủ. Bên cạnh đó, trường hợp thửa đất phải chia tách để làm ngõ chung, chiều rộng mặt cắt tối thiểu sẽ từ 2 m trở lên.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.