Thị trường bất động sản (BĐS) đang gặp khó khăn, một trong số đó có vướng mắc về nguồn vốn. Việc đề xuất gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5 - 2% lãi suất vay bình quân của các ngân hàng sẽ là tín hiệu “mồi” tích cực cho thị trường hồi phục trở lại.
Thực tế hiện nay, dòng vốn đầu tư vào thị trường BĐS rất đa dạng, phong phú.
Các tổ chức tín dụng khi tham gia thị trường với vai trò cho vay đối với các chủ thể, trực tiếp mua trái phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, bảo lãnh cho các chủ thể trên thị trường.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu đối với lĩnh vực BĐS năm 2022 tăng hơn 10.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu đang có chiều hướng nhích dần lên, đến nay là 1,72% (trong khi năm 2021 là 1,67%).
Qua thống kê, thấy được phân khúc dư nợ cho nhu cầu nhà ở chiếm 62,19%, quyền sử dụng đất chiếm 20,66%, khu công nghiệp và khu chế xuất 2,67%, khác là 14,48%.
Dư nợ tín dụng đối với nhà ở xã hội chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (0,71%) do thị trường BĐS còn mất cân đối cung cầu, dư thừa sản phẩm phân khúc cao cấp trong khi nguồn cung về nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ còn hạn chế.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc "Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững" mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, 4 ngân hàng quốc doanh đã thống nhất sẵn sàng vào cuộc với gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng dành cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Lãi suất cho vay với người xây dựng và người mua nhà sẽ thấp hơn từ 1,5 - 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
Gói tín dụng này về sau có thể nhiều hơn nếu có thêm ngân hàng tham gia. Và trong quá trình triển khai, nếu bị thiếu hụt về thanh khoản thì NHNN sẵn sàng tái cấp vốn để triển khai tiếp.
Trước đề xuất trên, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS nhận định đây được coi là tín hiệu lạc quan, tạo niềm tin, tâm lý hứng khởi cho thị trường.
Thời điểm này, một gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được đưa ra thực sự rất cần cho thị trường, cũng như cho doanh nghiệp BĐS và người mua nhà.
Về câu chuyện lãi suất, Thống đốc NHNN cũng chia sẻ rằng đang cố gắng điều tiết tiền tệ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để làm sao cố gắng giảm mặt bằng lãi suất.
Dưới góc độ kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định:
Với gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cùng với sự quyết tâm của Chính phủ, các địa phương và sự vào cuộc của các chủ đầu tư lớn, thị trường BĐS sẽ được tái cấu trúc nhanh nhất, đáp ứng nhu cầu ở thực của đại đa số người dân.
Các gói tín dụng dành cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân này sẽ là một trong những gói tín dụng mang tính nhân văn, thúc đẩy hoạt động của thị trường BĐS trong thời gian tới, một tín hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên, cũng cần phải làm rõ nguồn vốn từ đâu, từ ngân sách Nhà nước hay từ các ngân hàng thương mại.
Liên quan đến gói tín dụng trên, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, với việc bung ra các gói tín dụng và hạ lãi suất cho vay sẽ giúp giảm áp lực, căng thẳng cho doanh nghiệp, giảm áp lực vay mua nhà cho người dân, từ đó thị trường có xu hướng tích cực hơn. Giảm lãi suất càng nhiều sẽ càng kích thích thị trường.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.