Lý giải về việc giá nhà ở xã hội ngày càng tăng cao, ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc R&D DKRA Việt Nam, đã chỉ ra 3 nguyên nhân chính.
Đầu tiên là về vấn đề pháp lý. Thời gian phê duyệt cấp phép dự án kéo dài đã làm gia tăng các khoản chi phí khác, bao gồm lãi vay, chi phí vận hành, chi phí cơ hội… Tất cả các hạng mục trên đã làm độn giá bán của sản phẩm.
“Tiếp theo là vấn đề nguồn vốn. Trong đó bao gồm việc lãi suất ngân hàng tăng mạnh, các kênh huy động vốn khác cũng trở nên đắt đỏ…”, ông Võ Hồng Thắng chia sẻ.
Cuối cùng là do chi phí đầu vào tăng mạnh. Giá đất cùng chi phí nhân công và nguyên vật liệu (sắt, thép, cát, xi măng…) đều đã tăng mạnh trong thời gian qua.
“Bên cạnh đó, chúng ta vẫn chưa có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, hướng dẫn áp dụng các gói vay ưu đãi cho nhà đầu tư khi tham gia phát triển nhà ở xã hội. Điều này khiến giá của phân khúc này khó giảm nhiệt”, ông Võ Hồng Thắng cho biết.
Đánh giá về biến động giá của nhà ở xã hội trong tương lai, Phó giám đốc R&D DKRA Việt Nam nhận định mức giá sẽ khó có chiều hướng giảm.
Điều này xuất phát từ việc phân khúc này vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay từ 8,7%/năm (3 năm) vẫn đang ở mức cao đối với các chủ đầu tư.
Ngoài ra, thủ tục cấp phép dự án nhà ở xã hội vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập và làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.
“Thời gian gần đây, Nhà nước liên tục có những văn bản tháo gỡ, thúc đẩy thị trường nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư lớn, uy tín đã cam kết tham gia phát triển phân khúc này. Vì vậy, nguồn cung mới có thể tăng nhưng sẽ khó có sự đột biến”, ông Thắng nhận định.
Trước tình trạng một số sàn giao dịch bất động sản yêu cầu người mua phải có “phí lót tay” khi mua nhà ở xã hội, ông Thắng cho rằng đây là một việc làm trái quy định pháp luật và đẩy hoàn toàn rủi ro về phía người mua nhà.
Trên thực tế, thị trường đã ghi nhận không ít trường hợp đáng tiếc liên quan đến vấn đề này.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước chỉ có 9 dự án nhà ở xã hội được cấp phép mới trong năm 2022.
Tình trạng ảm đạm tiếp tục kéo dài đến quý I năm nay và không chỉ dừng lại đối với phân khúc căn hộ giá rẻ.
Báo cáo của BHS cho biết Hà Nội không có dự án chung cư mở bán mới trong 3 tháng đầu năm. Hiện đa số nguồn cung mới đều đến từ các đợt mở bán tiếp theo của những dự án hiện hữu.
Riêng với phân khúc căn hộ hạng C tại TP.HCM, báo cáo của DKRA cho biết thị trường không ghi nhận dự án nhà ở thương mại mới có giá dưới 35 triệu đồng/m2 trong suốt 3 năm qua.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.