• Định hướng đổi mới về đất đai

Định hướng đổi mới về đất đai

Ngày cập nhật: 4/8/2022 » Thị trường nhà đất

Thực tiễn tại nước ta, việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai đều được xây dựng trên cơ sở định hướng chính trị của Đảng. Vừa qua, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã thảo luận và thống nhất cao ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về đất đai tạo đột phá mang tính bước ngoặt về tư duy và có ý nghĩa rất quan trọng.

Trước đó, định hướng đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai (đất nền dự án, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất thổ cư,...) đã được Đảng ta nhắc đến tại Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, trong đó:

“Có chế tài đồng bộ, cụ thể để xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhưng sử dụng lãng phí, không đúng mục đích, đầu cơ đất, chậm đưa đất vào sử dụng;

Không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất, giá trị đã đầu tư vào đất đối với các trường hợp bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai”.

Cuối tháng 12/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 155/NQ-CP, giao “Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương:

Chỉ đạo, rà soát, thống kê, đánh giá thực trạng sử dụng đất của dự án chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, lãng phí; việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường, đất chưa sử dụng...

Bên cạnh đó cần tổng hợp khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp và cơ chế chính sách để giải quyết, đưa quỹ đất vào sử dụng hiệu quả, nhanh chóng giải phóng nguồn lực, tránh lãng phí, phòng chống tham nhũng trong quản lý, sử dụng đất đai”.

Đến đầu năm 2022, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có nội dung quan trọng về xây dựng đề án “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội phục hồi sau đại dịch COVID-19”.

Đề án đang được Chính phủ xây dựng sẽ đánh giá đúng thực trạng, từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án chậm đưa đất vào sử dụng.

Đặc biệt không đưa đất vào sử dụng trên phạm vi toàn quốc, giải phóng nguồn lực đất đai cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19 theo tinh thần của Nghị quyết 155/NQ-CP ngày 08/12/2021 và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân, Đề án tháo gỡ khó khăn về đất đai lần này cũng kiểm tra, rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án chậm đưa đất vào sử dụng, không đưa đất vào sử dụng trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời, phân tích, đánh giá nguyên nhân của các tồn tại, vướng mắc.

Để từ đó đề xuất các giải pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các địa phương trong cả nước.

Tổ chức thực hiện các giải pháp để đưa đất đai của các dự án chậm vào sử dụng có hiệu quả, phát huy nguồn lực đất đai, tránh để hoang hóa, lãng phí.

Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.