Thị trường bất động sản (BĐS) đang chờ những hỗ trợ kịp thời, đột phá về chính sách và dòng vốn từ Nhà nước để khởi sắc.
Bước sang năm 2023, nhiều ngân hàng thương mại đã được nới thêm hạn mức tín dụng từ 1,5 - 2%. Vì thế, các doanh nghiệp BĐS đang chờ đợi các dòng tiền tín dụng khơi thông để các dự án BĐS tiếp tục hoàn thiện.
Mặt khác, nếu thị trường chứng khoán trong năm nay tăng từ 30 - 50% và trái phiếu phục hồi sẽ là cơ sở để có thêm dòng tiền đổ vào nền kinh tế và thị trường nhà đất.
Để tạo đòn bẩy giải quyết hàng tồn kho BĐS, VnREA đề xuất Chính phủ cần sớm chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc tháo gỡ chính sách tín dụng cho thị trường BĐS.
Bộ Tài chính nên có “sàn giao dịch trái phiếu” có sự giám sát và đẩy mạnh phát triển các quỹ đầu tư BĐS, chứ không thể trông chờ vào một kênh tín dụng.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế phân tích, thị trường BĐS “đóng băng” hay “bong bóng” đều ảnh hưởng đến hàng loạt vấn đề khác, trong đó có hệ thống tín dụng.
Vì vậy, các tổ chức tín dụng cần tìm cách hỗ trợ DN BĐS, kiến nghị Chính phủ, NHNN có chính sách kéo dài việc đáo hạn nợ khoảng 3 năm giúp các DN có thể mua lại trái phiếu hoặc gia hạn nợ dưới sự kiểm soát của NHNN, nhằm khơi thông dòng tiền.
Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, tín dụng cho DN và coi đây là “nút thắt” cần gỡ để khơi thông cho các thị trường liên quan.
Tháng 12/2022, Chính phủ cũng đã lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và ban hành Công điện 1164/CĐ-TTg triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.
Các chuyên gia BĐS nhận định, thị trường đang đứng cơ hội của chu kỳ 10 năm, khi trong năm 2023, hàng loạt bộ luật liên quan tới thị trường BĐS như: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở dự kiến sẽ được sửa đổi, thông qua, giúp tháo gỡ vướng mắc về pháp lý liên quan tới nguồn cung thị trường.
Bên cạnh đó, báo cáo tài chính của nhiều DN đầu ngành BĐS vẫn có lãi từ hoạt động kinh doanh năm 2022, cho thấy dòng tiền vẫn duy trì hoạt động trong bối cảnh khó khăn. Điều này đã tạo ra động lực cho các DN BĐS tiếp tục tìm hướng đi phù hợp để vượt qua “sóng gió”.
Đơn cử, trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, Tập đoàn Vingroup đã công bố doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 41.168 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ và đạt kỷ lục cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, riêng doanh thu từ chuyển nhượng BĐS chiếm 71%, với 29.153 tỷ đồng và hoạt động sản xuất đạt 3.601 tỷ đồng, đóng góp gần 9% vào tổng doanh thu tập đoàn...
Ngoài ra, trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là nguồn vốn đáng tin cậy đối với các DN BĐS.
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tháng 1/2023, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 1,69 tỷ USD.
Đáng chú ý, vốn đầu tư mới cũng như số dự án mới và số lượt dự án điều chỉnh vốn vẫn tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, có 153 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 48,5% so với cùng kỳ;
Tổng vốn đăng ký đạt hơn 1,2 tỷ USD, tăng hơn 3,1 lần so với cùng kỳ... Đây là tín hiệu tích cực cho sự phục hồi của thị trường BĐS năm nay.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.