Giá nhà đất tăng "dựng đứng" khi sắp công bố TP. Thủ Đức; Bất ngờ thưởng Tết địa ốc, xuất hiện đại gia treo thưởng "khủng"... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.
Bất ngờ thưởng Tết địa ốc: Xuất hiện đại gia treo thưởng "khủng"
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp bết bát, giải thể, nợ lượng; song cũng có công ty nhanh chóng tăng tốc những tháng cuối năm, mau chóng lấy lại phong độ, doanh thu lợi nhuận tăng nhanh chóng.
Ông Nguyễn Vũ Cao - Chủ tịch một doanh nghiệp môi giới bất động sản ở Hà Nội chia sẻ, mặc dù thị trường vẫn có những khó khăn chung, tuy nhiên năm nay công ty có những dòng sản phẩm vẫn bán chạy nên cũng đã có kế hoạch treo thưởng Tết ở mức hấp dẫn là ô tô.
Theo đó, có hai dòng ô tô được công ty này đưa ra làm thưởng Tết với trị giá dao động từ 400 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, tùy vào tiêu chí kèm theo. Đối với các bộ phận khác trong công ty không phải môi giới, ông Cao tiết lộ mức thưởng sẽ khác nhau, nhưng vẫn có nhân sự được tiền thưởng cả trăm triệu đồng.
Nhiều doanh nghiệp lấy lại phong độ, hồi phục nhanh chóng, thị trường kỳ vọng xuất hiện những "bom tấn" thưởng Tết.
Giá nhà đất tăng "dựng đứng" khi sắp công bố TP. Thủ Đức
Một nghịch lý đang diễn ra là giá nhà đất tại TP.HCM lại tăng mạnh, " nóng" nhất phải kể đến là thị trường khu Đông, nơi sắp tới sẽ trở thành TP. Thủ Đức.
Ông Lâm, người có thâm niên môi giới nhà đất tại Q. Thủ Đức cho biết, kể từ khi 3 quận phía Đông TP.HCM rục rịch lên TP. Thủ Đức, giá nhà đất tại khu vực này đã tăng rõ rệt. Mức tăng mạnh nhất tại P.Bình Thọ và P. Trường Thọ, Q. Thủ Đức.
Khảo sát của PV, so với năm ngoái, giá nhà đất dọc các trục đường chính của Q.9 như Nguyễn Duy Trinh hay Nguyễn Xiển tăng dao động từ 70 triệu - 100 triệu đồng/m2. Những khu vực còn lại mức tăng có thấp hơn nhưng cũng từ 30 triệu - 60 triệu đồng/m2.
Giá nhà đất khu vực phía Đông Thành phố rục rịch tăng khi có thông tin thành lập TP. Thủ Đức.
Giá đất các khu vực tại Q.2 có mức tăng "chóng mặt", như căn nhà 64m2 mặt tiền đường Lương Định Của, P. Bình An đang được chủ rao bán giá 12 tỷ đồng. Nếu so với giá đất trung bình tại Q.2 của một đơn vị nghiên cứu thị trường ghi nhận năm 2014 là 50 triệu đồng, thì nay đã tăng gấp 3 lần.
Tuyến phố "hốt bạc" bậc nhất Hà Nội ế sưng vì khách lần lượt "dứt áo ra đi"
Năm 2020 là năm khó khăn với dân kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều người phải trả mặt bằng tại các con phố lớn nhất nhì Hà Nội dù đang làm ăn ổn định.
Dù không muốn, nhưng vợ chồng anh B (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn phải trả lại mặt bằng trên phố Huế từ nửa năm nay. Dù trước đó, vợ chồng anh đã kinh doanh thuận lợi ở con phố này nhiều năm.
Nhiều nhà trên phố đã bỏ không nhiều tháng
Nguyên do phải trả lại là vì vị trí đắc địa của phố Huế nên giá thuê cũng cao tương đương. Khi mọi hoạt động bị ảnh hưởng nặng nề do dịch thì hàng hóa không tiêu thụ được, tiền nhà lại chỉ được giảm một chút nên dù đã cố gồng gánh vài tháng, nhưng vợ chồng anh B quyết định trả lại mặt bằng.
Không ít chủ cửa hàng cũng đành "dứt áo ra đi" khỏi con phố sầm uất bậc nhất Hà thành với cùng lý do như anh B. Bởi giá nhà cao, nhưng không phải chủ nhà nào tại cũng đây chấp nhận giảm tiền hoặc hỗ trợ người thuê.
Phân khúc nhà ở bình dân liệu có tuyệt chủng tại Hà Nội?
Tại TP.HCM, các dữ liệu báo cáo của nhiều tổ chức nghiên cứu bất động sản cho thấy, không thể nào tìm được một căn hộ có giá dưới 25 triệu đồng/m2. Vậy tại thị trường Hà Nội thì sao?
Theo dữ liệu của Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội, các bất động sản nhà ở có mức giá khoảng 1,4 đến 1,6 tỷ đồng/ căn 2 phòng ngủ vẫn có thể có tại thị trường Hà Nội và nằm tại các khu vực ngoài vành đai 3 hoặc có vị trí xa so với trung tâm.
Trong quý 3/2020, nguồn cung sơ cấp với giá trung bình dưới 1.000 USD/m2 có khoảng 3.200 căn hộ tương đương 12% thị phần. "Dòng sản phẩm này không có nhiều nếu mua trực tiếp từ chủ đầu tư nhưng nếu mua lại và là căn hộ đã sử dụng thì vẫn còn tiềm năng" - bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn, Savills Hà Nội - cho biết.
Báo xây dựng