• Giá nhà đất bỏ xa mức thu nhập của người dân

Giá nhà đất bỏ xa mức thu nhập của người dân

Ngày cập nhật: 10/8/2022 » Thị trường nhà đất

Cách đây 10 năm, vợ chồng bà Q - ông Đ (Bắc Giang) cùng 2 người con trai mới lớn bỏ lại đồi vải và vài sào ruộng để Nam tiến lập nghiệp, với nhiều hi vọng về “miền đất hứa”.

Tuy nhiên, dù đã cố gắng tăng ca hàng tuần trong các khu công nghiệp ở Bình Dương, tiêu pha dè sẻn, thậm chí nhiều năm không về quê đón Tết, nhưng gia đình ông Đ vẫn không thể mua nổi một căn nhà ở xã hội tại Bình Dương vì giá nhà cao và liên tục tăng.

“Giá nhà xã hội cho công nhân, hay nhà thương mại giá rẻ ở các khu vực như Bình Dương, ven TP HCM, Đồng Nai và các thành phố lớn quá cao, cách quá xa thu nhập của công nhân và người lao động như chúng tôi, nên việc có nhà với chúng tôi thực sự rất xa vời”, ông Đ chia sẻ.

Câu chuyện nhà ở của gia đình bà Q, ông Đ cũng chính là nỗi lòng của nhiều người lao động tại các thành phố lớn hiện tại. Bởi theo các báo cáo, hiện nay giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập của người dân.

Theo đó, nghiên cứu thị trường của CBRE Việt Nam chỉ ra, so với mức giá cách đây 2 năm, hiện giá nhà không chỉ tăng giá cục bộ ở một vài dự án, mà nhiều khu vực đã hình thành mặt bằng giá mới.

Cụ thể căn hộ chung cư khu vực Cầu Giấy, Thanh Xuân, Mỹ Đình... ở mức 30 - 40 triệu đồng/m2 năm 2020, hiện nay được đẩy lên 45 - 60 triệu đồng/m2. Các khu vực ngoại thành như Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, trước đây thường ở mức 18 - 20 triệu đồng/m2, nay đã dần tiệm cận mức 30 triệu đồng/m2, thậm chí có dự án giá lên đến 60 triệu đồng/m2... và không có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Đáng chú ý, dự án nhà ở thương mại giá dưới 25 triệu đồng/m2 cũng gần như “mất hút” khỏi thị trường Hà Nội.

Còn theo khảo sát của nhiều đơn vị môi giới bất động sản, hiện nay giá nhà ở Việt Nam cao hơn gấp khoảng 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội.

Ví dụ, một lao động ở độ tuổi 30 trở xuống có mức thu nhập trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng, trừ khoản sinh hoạt phí ở những đô thị lớn như Hà Nội hay TP HCM thì dư lại khoảng 6 triệu đồng.

Do đó, họ cần ít nhất 20 năm mới tích cóp được 1,5 tỷ đồng. Còn với mức thu nhập 20 - 30 triệu đồng/tháng, muốn mua được một căn hộ 1,5 tỷ đồng cũng phải tích cóp trong 10-15 năm, với điều kiện họ không phải chi trả cho các khoản phí về ốm đau, bệnh tật,…

Điều này khiến cho người lao động thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân khu công nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận và tạo lập chỗ ở.

Tại hội thảo về thị trường bất động sản do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức mới đây, TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng đặt câu hỏi:

“Giá trị thực của bất động sản ở Việt Nam đang ở đâu, khi thu nhập của đại đa số người dân không cải thiện nhiều trong 2 năm qua?”.

TS Nghĩa nhấn mạnh, một thực tế đang diễn ra là người có đất thì ‘hét’ giá trên trời, người mua ái ngại, cuối cùng cung - cầu khó gặp nhau.

Việc giá bất động sản tăng quá cao so với thu nhập của đại bộ phận người dân mang đến nguy cơ trong tương lai, chỉ cần một cú sốc là thị trường sẽ gánh hệ lụy lớn.

Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.