Thời gian qua, Chính phủ và các cơ quan, Bộ ngành đã dốc nhiều tâm huyết, nhằm quyết tâm giúp thị trường BĐS khôi phục trở lại. Các chuyên gia nhận định, chưa bao giờ các động thái từ phía Chính phủ lại quyết liệt và dồn dập đến như vậy.
Hàng loạt các cuộc họp cấp Trung ương được tổ chức. Rất nhiều cơ chế, chính sách được ban hành. Toàn bộ cơ quan quản lý các cấp, cả hệ thống ngân hàng đều vào cuộc.
Trong số các cơ chế, chính sách đã ban hành thì Nghị quyết số 33/NQ-CP được xem là “kim chỉ nam”, thể hiện khá rõ ràng quan điểm và quyết tâm khôi phục thị trường BĐS từ phía Chính phủ, các Bộ ngành. Nghị định số 08/NĐ-CP đang cho thấy các kết quả tương đối khả quan.
Quyết định số 388/QĐ-TTg vẫn là một thách thức lớn đối với DN BĐS, cũng như cơ quan, sở ngành. Nghị định số 10/NĐ-CP được trông chờ sẽ có thêm những quy định, hướng dẫn chi tiết, cụ thể để góp phần tạo cú hích lớn cho phân khúc BĐS nghỉ dưỡng trong thời gian tới.
Đối với chính sách nhà ở, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong tờ trình trình Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề xuất 2 phương án: Phương án có quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn và phương án không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn.
Tại thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định đây là vấn đề có tính nhạy cảm cao, tác động lớn đến xã hội và còn có những ý kiến chưa thống nhất.
Do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo đã trình đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến.
Tuy nhiên, dự thảo Luật đã bổ sung làm rõ thêm các nội dung về thời hạn sử dụng nhà chung cư, các trường hợp phá dỡ nhà chung cư, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc di dời, phá dỡ và đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để có cơ sở xử lý, giải quyết, tháo gỡ các trường hợp đang gặp khó khăn, vướng mắc trên thực tế hiện nay.
Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, báo cáo cơ quan có thẩm quyền và xin ý kiến Quốc hội.
Bên cạnh đó, Luật Nhà ở năm 2014 và nay là dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã quy định chặt chẽ về loại nhà, khu vực được mua, số lượng nhà ở được phép mua và sở hữu.
Do đó, quy định này sẽ không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách nhà ở khác của Nhà nước như chính sách về NƠXH, nhà ở tái định cư, nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị.
Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra nghiên cứu kỹ, thể hiện rõ, đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng, thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan.
Về chính sách phát triển NƠXH, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, mỗi địa phương có nhu cầu NƠXH khác nhau, nguồn ngân sách khác nhau, do đó việc để UBND cấp tỉnh quyết định tỷ lệ trích từ nguồn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn là phù hợp với thực tế cũng như pháp luật có liên quan, pháp Luật về ngân sách, về tổ chức chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo dự kiến báo cáo Chính phủ tiếp thu và sẽ bổ sung trong quá trình hoàn thiện dự thảo luật theo hướng, chỉ quy định tỷ lệ nhất định trong ngân sách địa phương, không quy định tỷ lệ thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.