Theo Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh, ách tắc nguồn vốn là điểm nghẽn lớn nhất trong thực hiện chính sách nhà ở xã hội 04 năm qua. Kỳ vọng với Nghị quyết 41/NQ-CP Chính phủ ban hành tháng 04/2020 sẽ có những chuyển biến tích cực.
Ảnh minh họa.
Chậm bố trí nguồn vốn
Nguồn vốn mồi từ ngân sách Nhà nước giữ vai trò rất quan trọng. Qua thực tế triển khai gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng nhận định, với 1 đồng từ ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất, ngân hàng thương mại huy động thêm được 33 đồng từ nguồn vốn xã hội (gấp 33 lần) nên rất hiệu quả.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, các ngân hàng này và một số ngân hàng thương mại khác có cho vay dự án nhà ở xã hội, nhưng chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội đều phải vay với lãi suất thương mại 9-10%/năm, nên người mua nhà gặp khó khăn trong việc trả nợ, trả lãi vay.
Văn bản số 1248/BXD-QLN ngày 28/05/2018 của Bộ Xây dựng về bổ sung vốn tín dụng cho lĩnh vực nhà ở xã hội đã nhận định, nguyên nhân chính dẫn đến việc phát triển nhà ở xã hội vẫn tiến triển rất chậm, nhiều khó khăn, ách tắc là do nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội thì đến nay vẫn chưa được bố trí; do không có nguồn vốn để tiếp tục cho vay sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng theo quy định tại Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ đã giải ngân hết vào cuối tháng 12/2016.
Báo cáo của các địa phương cho thấy, hiện nay có 206 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 168.700 căn hộ, tổng diện tích khoảng 8.435.000 m2đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công. Trong các nguyên nhân trên, việc không bố trí được vốn ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 22/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là nguyên nhân chủ yếu.
Vốn phân bổ bao nhiêu là đủ?
Để tháo gỡ khó khăn này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Văn bản số 102/UBTVQH14-TCNS ngày 26/04/2017 gửi Chính phủ về phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đối với phần vốn còn lại, đồng ý bổ sung 2.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó dành một phần khoảng 1.260 tỷ đồng để thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Nhưng do nguồn vốn này quá nhỏ nên trên thực tế, đa số các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội chưa được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Ví dụ như, tháng 10/2019, Ngân hàng Chính sách xã hội phân bổ cho thành phố Hồ Chí Minh 10 tỷ đồng tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội. Nguồn vốn phân bổ này quá ít, nếu nhà ở xã hội có giá bán khoảng 1 tỷ đồng/căn, mỗi cá nhân được vay 70% giá trị hợp đồng mua nhà, với mức vay 700 triệu đồng, thì với nguồn vốn 10 tỷ đồng, chỉ có 14 hộ gia đình được vay.
Theo Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh, một chuyển biến tích cực là tháng 04/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 41/NQ-CP, giao cho Bộ Kế hoạch Đầu tư bố trí 3.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, trong đó phân bổ 1.000 tỷ đồng tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, đặc biệt là dành 2.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất, phân bổ cho 04 ngân hàng: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank. Với nguồn tái cấp vốn này, 04 ngân hàng thương mại này có thể huy động được đến khoảng 60.000 tỷ đồng để hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho người mua nhà ở xã hội trong năm 2020 và vài năm tiếp theo.
Nguồn: https://baoxaydung.com.vn/go-ach-tac-nguon-von-cho-phat-trien-nha-o-xa-hoi-281936.html