Trong khi đồ án quy hoạch khu đô thị sông Hồng vẫn đang chờ phê duyệt, giá đất tại khu vực Long Biên bỗng dưng tăng vọt.
Một cửa hàng bán xe đạp “kiêm” môi giới nhà đất trên phố Long Biên (Hà Nội).
Giá đất “nhảy múa”
Theo dự thảo đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, quy hoạch này có quy mô diện tích khoảng 11.000ha, kéo dài 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở.
Quy hoạch nằm trên địa giới hành chính 55 phường, xã và 13 quận, huyện của Hà Nội, gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm. Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang được Hà Nội khẩn trương hoàn thiện.
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều lô đất nằm trong vùng quy hoạch đang có xu hướng tăng với mức giá chênh lệch cao. Phóng viên đã có thời gian tìm hiểu tại khu vực quận Long Biên, một trong những địa điểm có mặt trong đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.
Trong vai là người có nhu cầu mua đất tại khu vực Long Biên, phóng viên đã liên lạc được với anh Tuấn, một môi giới nhà đất. Anh Tuấn cho biết có rất nhiều lô đất đẹp đang được chào bán. Khi được hỏi về những nơi nằm gần quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, người môi giới này đã giới thiệu ngay những lô đất đẹp tại phường Cự Khối, phố Thạch Cầu và phố Bắc Cầu và liên tục chào mua.
“Nếu muốn mua đất đẹp ở ngay mặt đường Thạch Cầu thì không còn, chỉ còn nhà trong ngõ. Vị trí đẹp, thoáng, ôtô đi lại thoải mái, diện tích đang có ở mức 70-75m2, có cả đất vườn từ 110-200m2. Giá dao động khoảng 40-45 triệu đồng/m2”, anh Tuấn cho biết.
Theo anh Tuấn, giá đất ở Cự Khối nhà mặt đường đang có giá khoảng 65 - 68 triệu đồng/m2 với nhà có 1 mặt tiền, 70-75 triệu đồng/m2 đối với nhà 2 mặt tiền đẹp. Nhà trong ngõ ôtô đi vào được thì khoảng 40-45 triệu đồng/m2. Hầu như đất đang bán là đất thổ cư và đất vườn, nếu muốn mua đất bãi, đất phi nông nghiệp cũng có.
Đồng thời, phóng viên cũng đã tìm đến khu phố Bắc Cầu (phường Ngọc Thụy) để tìm hiểu về giá đất. Trước đó, đã có thông tin nhiều danh mục dân cư đã được cân nhắc, đề xuất cho phép tồn tại ở một số địa điểm thay vì phải di dời như quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Bắc Cầu, Bồ Đề... Người dân tại phố Bắc Cầu đã nhanh chóng nắm được thông tin. Tại đây đã hình thành lên nhiều “văn phòng nhà đất” tại các cửa hàng kinh doanh và sự xuất hiện dày đặc của “cò đất”.
Theo như bà Hoa, một môi giới nhà đất tại khu vực Bắc Cầu, nhiều người tới đây hỏi thăm về đất, tình hình buôn bán diễn ra sôi động.
“Bây giờ mua đất còn được giá tốt, chứ mua sau này thì khó. Khi có quy hoạch rồi thì tiềm lực phát triển ở đây là cao. Nếu muốn mua đất ở mặt đường phố Bắc Cầu thì giá sẽ là 60 - 70 triệu đồng/m2, nhà trong ngõ thì 30 - 40 triệu đồng/m2. Giá đất tăng khoảng 5 - 10 triệu đồng/m2 so với những năm trước. Mua đất để đầu tư thời điểm này dễ có lãi lắm”, bà Hoa cho hay.
Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi người dân về vấn đề giá đất lên cao, người dân tại Thạch Cầu và Bắc Cầu cho rằng, giá bán hiện tại chỉ tăng nhẹ, khoảng 3-4 triệu đồng/m2 chứ không tăng lên giá quá cao như vậy. Còn đối với khu vực Cự Khối, người dân lại xác nhận có tăng giá đất lên mức 5-10 triệu đồng/m2, thậm chí còn cao hơn. Điều này xuất phát từ chính người dân khi họ đã tự tăng giá đất để bán được giá khi biết có thông tin sẽ quy hoạch. Mặt khác, nhiều người vẫn còn đang chần chừ, không bán nữa mà để chờ đất có giá hơn thì mới bán.
Cẩn trọng với “sốt” đất, “cò mồi”
Theo đại diện của UBND phường Thạch Cầu (quận Long Biên), giá đất hiện nay tại khu vực này đang ở mức bình ổn, không tăng giá quá cao như lời đồn thổi. Nếu giá tăng thì chỉ tăng ở mức nhẹ, thị trường buôn bán cũng không sôi động như lời môi giới, “cò đất” nói.
Với tình trạng đất bị đẩy giá lên cao tại khu vực Long Biên và cả những nơi nằm trong đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, các chuyên gia cho rằng những cơn “sốt” đất này đều là ảo. “Cò đất”, môi giới nhà đất đang tự đẩy giá lên cao khiến giá đất tăng gấp nhiều lần so với mức giá bình thường. Những người này lợi dụng thông tin về quy hoạch phân khu sông Hồng để bán đất, kể cả những mảnh đất có tình trạng pháp lý còn mập mờ, đất lấn chiếm,… Tuy nhiên, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng mới đang có tỷ lệ 1/5.000, chưa có mốc giới cụ thể để xác định rõ vị trí cụ thể nào nằm trong vùng quy hoạch. Nếu người mua đất tin vào những lời chào mua mà không kiểm chứng thông tin mà quyết định mua ngay thời điểm này dễ gặp rủi ro lớn.
Để không xảy ra tình trạng “sốt” đất ảo, các cấp chính quyền cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra các sàn giao dịch trên địa bàn, hạn chế tình trạng môi giới, “cò đất” tung tin không đúng về giá đất, tăng giá đất làm ảnh hưởng đến người mua; công khai cụ thể thông tin về quy hoạch khi được phê duyệt, xử lý nghiêm các hành vi “thổi” giá, mua bán nhà đất sai quy định; tạo điều kiện để người mua tiếp cận được nguồn thông tin đúng về đất…
Đồng thời, các chuyên gia cũng khuyến cáo người mua cần phải tìm hiểu đầy đủ thông tin về thửa đất tại UBND cấp xã phường, văn phòng đăng ký đất và nhà quận, huyện rồi mới quyết định mua. Người mua phải tỉnh táo trước những thông tin về giá đất, không mua đất khi thấy môi giới, “cò đất” không uy tín chào mời mà thông tin chưa được kiểm chứng, nên chờ quy hoạch chi tiết do thành phố phê duyệt.
Theo Bộ Xây dựng, hiện tượng tăng giá bất động sản tại các địa phương có nhiều nguyên nhân như khi dân số tăng, kinh tế phát triển, công nghiệp hóa - đô thị hóa nhưng nguồn cung chưa kịp đáp ứng dẫn đến lệch pha cung cầu; do chuyển dịch dòng vốn đầu tư để đảm bảo an toàn khi các kênh đầu tư khác gặp khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh; do giới đầu cơ bất động sản lợi dụng các yếu tố như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị,… Trong đó, giá cả thị trường nguyên, nhiên, vật liệu và chi phí đầu vào dự án bất động sản tăng cũng là nguyên nhân khiến giá thành sản phẩm bất động sản tăng theo.
Cụ thể, tại Hà Nội, chính quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tới đây chính là điều khiến các đầu cơ lợi dụng, gây nhiễu loạn thông tin để “thổi giá” nhằm thu lợi bất chính. Đầu cơ đã đẩy giá đất tại các khu vực nằm trong đồ án quy hoạch lên giá cao hơn, tạo ra những cơn “sốt” đất ảo gây rủi ro cho các nhà đầu tư, người mua đất và làm giảm tính lành mạnh của thị trường bất động sản địa phương.
Để quản lý thị trường bất động sản phát triển ổn định, Bộ Xây dựng đã và đang tích cực nghiên cứu xây dựng, trình Chính phủ nhiều cơ chế, chính sách.
Trong năm 2021, Bộ sẽ nghiên cứu trình Quốc hội, Chính phủ nhiều cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản như rà soát đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; nghiên cứu sửa đổi bổ sung Nghị định 100/2015/NĐ-CP, Nghị định 76/2015/NĐ-CP và Nghị định 117/2015/NĐ-CP; nghiên cứu xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp (căn hộ chung cư có quy mô dưới 70m2, giá bán không vượt quá 20 triệu đồng/m2) để trình Chính phủ xem xét ban hành và nhiều Văn bản quy phạm pháp luật khác trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản.
Lô đất đang được rao bán trong ngõ thuộc tuyến phố Thạch Cầu (quận Long Biên, Hà Nội).
Đồng thời, Bộ Xây dựng tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát thị trường bất động sản, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng lợi dụng thông tin (quy hoạch, nâng cấp đơn vị hành chính, chủ trương đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật lớn đặc biệt là về hệ thống đường giao thông…) để làm giá, đẩy giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23/4/2019 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Nhadat24h.net- Theo báo xây dựng