Trong số các dự án được "điểm danh” có Dự án Golden Palm của Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Hà Nội – Sunrise; tòa Hà Nội Center Point của Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội và nhiều khu nhà ở thấp tầng cũng “góp mặt” trong danh sách các dự án sai phạm.
Dự án Golden Palm điều chỉnh quy hoạch
Theo Kết luận Thanh tra số 39/KL-TTr của Thanh tra Bộ Xây dựng, dự án tổ hợp dịch vụ thương mại, văn phòng và nhà ở tại ô đất 4.5NO (Golden Palm) do Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Hà Nội - Sunrise là Chủ đầu tư, đây cũng là một trong nhiều dự án nằm ở khu vực đường Lê Văn Lương có vi phạm về quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, xây dựng theo quy hoạch…
Về quy hoạch xây dựng (QHXD), điều chỉnh QHXD, chấp thuận, điều chỉnh tổng mặt bằng (TMB), phương án kiến trúc (PAKT): Ngày 21/5/2004, UBND Thành phố Hà Nội có Quyết định số 3153/QĐ-UB lựa chọn nhà đầu tư, cho chỉ tiêu quy hoạch ô đất ở 4.5-NO là nhà ở cho thuê, mật độ xây dựng 51,7%, tầng cao 15 tầng.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc có tờ trình số 563/TTr-QHKT ngày 13/10/2008, UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận quy hoạch định hướng tại Văn bản số 3362/UBND-GT năm 2008 điều chỉnh ô đất 4.5-NO từ nhà ở cho thuê, tầng cao 15 tầng, thành văn phòng, thương mại và nhà ở cho thuê 16 tầng, là điều chỉnh không thuộc các trường hợp được điều chỉnh, không tính toán giải pháp về hạ tầng xã hội, vi phạm Điều 29 Nghị định 08/2005/NĐ-CP, khoản 3 phần 6 Thông tư 07/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận TMB, PAKT tại Công văn số 4549/QHKT-TMB-PAKT-P8 ngày 16/8/2016 có phần hầm vượt chỉ giới xây dựng, trùng chỉ giới đường đỏ là vượt thẩm quyền, vi phạm điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2010/NĐ-CP.
Như vậy, UBND Thành phố Hà Nội 2 lần điều chỉnh, Sở Quy hoạch – Kiến trúc 1 lần điều chỉnh sai quy định pháp luật, đã điều chỉnh từ đất ở thành dịch vụ, thương mại văn phòng và nhà ở, mật độ xây dựng từ 51,7% thành khối đế 64,3%, khối tháp 47,3%, tầng cao từ TB 7,8 tầng thành 9-23-25 tầng, 25 tầng thành 27 tầng làm tăng thêm dân số (tạm tính) khoảng 914 người – Theo Kết luận Thanh tra.
Trách nhiệm thuộc UBND Thành phố Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Đề nghị UBND Thành phố Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc theo thẩm quyền kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có vi phạm.
Về giấy phép xây dựng (GPXD) số 32/GPXD ngày 15/4/2016 của Sở Xây dựng: GPXD không có các nội dung: Hệ số sử dụng đất, chỉ giới xây dựng, màu sắc công trình (ghi theo Bản vẽ TMB được Sở Quy hoạch - Kiến trúc xác nhận ngày 21/6/2011 và PAKT được Sở Quy hoạch - Kiến trúc xác nhận ngày 05/11/2014 theo Văn bản 4769/QHKT-P8) nhưng các văn bản, TMB, PAKT nêu trên không có nội dung này, vi phạm Điều 1 Thông tư 10/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng; GPXD cấp phần hầm vượt chỉ giới xây dựng, trùng chỉ giới đường đỏ là vượt thẩm quyền, vi phạm điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2010/NĐ-CP.
Ngoài ra, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng chỉ sai phạm về quản lý thực hiện xây dựng theo GPXD như sau: Chủ đầu tư xây dựng sai GPXD, vi phạm Khoản 4 Điều 12 Luật Xây dựng 2014. Cụ thể, xây dựng 1 phòng diện tích khoảng 40m2 tại trục 20-21, sử dụng làm phòng ban quản lý toà nhà mà theo GPXD là phòng sinh hoạt cộng đồng.
Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND quận báo cáo vi phạm xảy ra sau khi nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng, đề nghị UBND quận Thanh Xuân tiếp tục kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc có Tờ trình số 2024/TTr-QHKT ngày 21/6/2011, UBND Thành phố Hà Nội có Quyết định số 3414/QĐ-UBND ngày 21/7/2011 phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch ô đất 4.5-N0 công trình văn phòng, thương mại và nhà ở cho thuê, cao 16 tầng, mật độ xây dựng 51,7% thành công trình dịch vụ, thương mại văn phòng và nhà ở, mật độ xây dựng khối đề 64,3%, khối tháp 47,3%; tầng cao khối đế 5 tầng, khối tháp 9-23-25 tầng, là điều chỉnh quy hoạch không thuộc các trường hợp được điều chỉnh; không tính toán sự đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vi phạm Điều 47, Điều 48 Luật Quy hoạch đô thị 2009.
Đặc biệt, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cấp giấy phép quy hoạch số 3314/GPQH ngày 20/6/2016 điều chỉnh tầng cao từ 25 tầng lên 27 tầng, là điều chỉnh không tính toán sự đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vi phạm Điều 52 Luật Quy hoạch đô thị 2009.
Dự án Hà Nội Center Point nâng tầng, tăng gấp đôi mật độ xây dựng
Hai bên tuyến đường Lê Văn Lương thuộc địa giới hành chính quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, theo ranh giới đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cải tạo chỉnh trang hai bên tuyến đường Lê Văn Lương được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt tại quyết định số 3011 năm 2016.
Tại dự án trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, nhà trẻ và nhà ở để bán tại ô đất 3.7-CC (tên thương mại Hà Nội Center Point) do Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội là chủ đầu tư.
Về QHXD, điều chỉnh QHXD, chấp thuận, điều chỉnh TMB, (PAKT), ngày 21/5/2004, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 3153/QĐ-UB lựa chọn nhà đầu tư, cho chỉ tiêu ô đất 3.7-CC là nhà ở cho thuê, mật độ xây dựng 26,8%, tầng cao 15-17-21 tầng.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc có Tờ trình số 563/TTr-OHKT ngày 13/10/2008, UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận quy hoạch định hướng tại Văn bản số 3362/UBND-GT năm 2008 đã tiếp tục điều chỉnh ô đất 3.7-CC nhà ở cho thuê, tầng cao 15-17-21 tầng thành nhà ở 15-25 tầng là điều chỉnh không thuộc các trường hợp được điều chỉnh, không tính toán giải pháp về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vi phạm Điều 29 Nghị định 08/2005/NĐ-CP, khoản 3 Phần 6 Thông tư 07/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc cấp Giấy phép quy hoạch số 213/GPQH ngày 30/8/2013, có Văn bản số 3919/QHKT-TMB-PAKT(P2) ngày 31/8/2015, chấp thuận TMB, PAKT đã điều chỉnh ô đất 3.7-CC từ nhà ở thành hỗn hợp (văn phòng dịch vụ và nhà cho thuê)
Và tăng mật độ xây dựng từ 26,8% thành 52%, tăng tầng cao từ 25 tầng thành 32 tầng là điều chỉnh không tính toán sự đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; làm phát sinh tăng thêm dân số, vi phạm Điều 52 Luật Quy hoạch đô thị 2009.
Như vậy, UBND Thành phố Hà Nội 01 lần điều chỉnh, Sở Quy hoạch - Kiến trúc 01 lần điều chỉnh sai quy định pháp luật, đã điều chỉnh từ đất công cộng thành phố thành nhà ở cho thuê, thành nhà ở, rồi thành hỗn hợp (văn phòng dịch vụ và nhà cho thuê), mật độ xây dựng từ 26% thành 52%, tầng cao từ 15 tầng thành 32 tầng, làm tăng thêm dân số khoảng 1.000 người.
Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ: Trách nhiệm thuộc UBND Thành phố Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Đề nghị UBND Thành phố Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc kiểm điểm xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có vi phạm.
Ngoài ra, về GPXD số 23/GPXD ngày 15/4/2016 do Sở Xây dựng cấp, GPXD ghi: Hệ số sử dụng đất, màu sắc công trình, chỉ giới xây dựng theo TMB, PAKT được Sở Quy hoạch - Kiến trúc xác nhận tại Văn bản 1608/QHKTP4 ngày 7/5/2014.
Nhưng Văn bản 1608/QHKT-P4 không có các nội dung này nên không có cơ sở cho việc triển khai xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng. Vi phạm Điều 4 Nghị định 64/2012/NĐ-CP; Mẫu 4 Phụ lục 1 Thông tư số 10/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng.
Cụ thể, tại vị trí trục Y11, lắp dựng thêm 01 thang máy từ tầng 1 lên tầng 3; thay đổi vị trí phòng Ban quản trị tầng 1 từ trục X6-X7 sang trục X5A-X6.
Không chỉ vậy, chủ đầu tư xây dựng sai PAKT được Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận tại Văn bản số 4370/QHKT-TMB-PAKT (P2) ngày 09/8/2016, vi phạm Khoản 4, Điều 12 Luật Xây dựng 2014, cụ thể: Tại vị trí sảnh trục Y13 Trung tâm thương mại theo quy hoạch là sân vườn + cây xanh, thực tế lắp dựng khung thép mái kính để kinh doanh, diện tích khoảng 120m2.
“Trách nhiệm thuộc Sở Xây dựng. Đề nghị UBND Thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng theo thẩm quyền kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có vi phạm” - Kết luận Thanh tra số 39/KL-TTr chỉ rõ.
Về quản lý thực hiện xây dựng theo quy hoạch được duyệt, theo GPXD, Kết luận Thanh tra cũng chỉ ra những sai phạm như sau: Chủ đầu tư xây dựng sai GPXD, vi phạm điểm d khoản 2 Điều 106, khoản 4 Điều 12 Luật Xây dựng 2014.
Cấp phép xây dựng sai tại hàng loạt nhà ở thấp tầng dọc tuyến đường Lê Văn Lương
Kéo dài khoảng 2km, đường Lê Văn Lương (Hà Nội) mọc lên tới 40 chung cư cao tầng dọc tuyến và tiếp đó, đường Tố Hữu cũng chịu cảnh quá tải tương tự.
Tuyến đường rộng, đẹp nhưng luôn quá tải về hạ tầng đã biến nơi đây thành “điểm nóng” của Thủ đô trong những khung giờ cao điểm. Nguyên nhân chính là những sai phạm nghiêm trọng trong việc điều chỉnh quy hoạch sai quy định, buông lỏng quản lý xây dựng.
Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, năm 1998, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 (Quyết định số 108). Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội (Quyết định số 1259).
Đối với hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, thực hiện cụ thể hóa quy hoạch chung, UBND Thành phố Hà Nội đã lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/5.000, 1/2.000, 1/500 từ những năm 1999;
Các quy hoạch phân khu đô thị từ năm 2013-2015 làm cơ sở để lập thẩm định phê duyệt quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc, quản lý đầu tư xây dựng, cấp giấy phép xây dựng.
Tuy nhiên, nhiều đơn vị điều chỉnh quy hoạch sai quy định, nhồi cao ốc tăng gấp 6 lần. Quy hoạch chi tiết phê duyệt lần đầu đã cơ bản nghiên cứu tính toán sự đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Tuy nhiên, khi thực hiện triển khai quy hoạch lại theo đề xuất chủ đầu tư, đã nhiều lần điều chỉnh đồ án hoặc điều chỉnh cục bộ hoặc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án thiết kế rồi tiếp tục điều chỉnh cho từng dự án theo xu hướng:
Chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, tăng thêm diện tích sàn (có dự án điều chỉnh 5 lần, nhiều dự án chuyển chức năng từ văn phòng, từ công cộng thành hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán), có dự án điều chỉnh tăng từ 5 tầng thành 30 tầng…
Nhadat24h.net- theo báo xây dựng.